Không giảm tốc độ 10 km/giờ tràn lan

Ngày 2-12, tại buổi sơ kết tám tháng thực hiện tăng tốc độ tối đa trong nội đô từ ngày 1-3 theo Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM đưa ra đề xuất sẽ giảm tốc tộ 10 km/giờ trên tám tuyến, phần đường (Pháp Luật TP.HCMngày 3-12 đã thông tin). Vấn đề này đang tạo nên dư luận nhiều chiều…

Nâng tốc độ gián tiếp gây tai nạn

Theo Sở GTVT, việc nâng tốc độ tối đa trong nội đô đã góp phần nâng cao năng lực lưu thông trên nhiều tuyến đường, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của TP. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Công an TP, số người chết và bị thương do vi phạm tốc độ lại tăng đáng báo động. Đáng lưu ý, trong 278 tuyến đường (đã nâng tốc độ) xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) thì có đến 109 tuyến có từ hai đến trên 10 vụ.

Từ đó, Sở GTVT đưa ra nhận định việc tăng tốc độ cho mô tô trong khu dân cư (từ 40 km/giờ trước đây lên 50-60 km/giờ) là nguyên nhân gián tiếp gây ra TNGT.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, khẳng định đó là do “Đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát, đổi hướng không đúng quy định, không giữ đúng khoảng cách… Đặc biệt trong điều kiện xe được chạy tốc độ cao, người lái xử lý tay lái kém thì đụng nhau là chỉ có chết chứ không bị thương như chạy chậm trước đây!”.

Phần đường hỗn hợp của quốc lộ 1 đoạn từ Khu chế xuất Linh Trung đến cầu vượt Trạm 2 quá xấu, mặt đường dành cho lưu thông bị bó hẹp nên được đề xuất giảm tốc độ tối đa xuống 50 km/giờ. Ảnh: LĐ

Giảm có chọn lọc

Theo đề xuất của Sở GTVT, tới đây cần giảm tốc độ 10 km/giờ trên tất cả làn ở ba tuyến có tỉ lệ tăng TNGT cao trên cả ba mặt; chỉ giảm tốc độ ở làn xe máy đi hỗn hợp với ô tô ở năm tuyến có TNGT tăng trên hai mặt.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét việc giảm tốc độ vì ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh… của người dân.

Theo ông Trần Quang Lâm, việc giảm tốc độ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, phương tiện và tốc độ lưu thông hàng hóa. Vì vậy Sở GTVT không đề xuất giảm tốc tràn lan mà có chọn lọc trên cơ sở khảo sát kỹ tình hình dân cư, chất lượng đường… ở từng đoạn, vị trí cụ thể.

Cạnh đó, “Sở GTVT sẽ tăng cường giám sát tốc độ các loại xe đã lắp hộp đen theo quy định; lắp camera đếm xe, giám sát vận tốc xe ở các khu vực cửa ngõ; trong năm 2017 đưa vào khai thác bản đồ số có thông báo tình hình giao thông, tốc độ cho phép ở các tuyến đường, khu vực, vị trí xe sắp đi qua…” - ông Lâm cho biết.

Theo ông Trần Quang Lâm và Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP, tới đây Sở và Công an TP sẽ rà soát tình hình lưu thông, tốc độ chạy xe ở tất cả tuyến đường trong nội đô để có biện pháp giảm thiểu TNGT phù hợp. “Việc giảm tốc độ sẽ được chọn lọc kỹ. Các biện pháp đơn giản như gắn gờ giảm tốc, đặt biển, bảng quang báo trước các vị trí có nguy cơ TNGT cao sẽ được ưu tiên!” - ông Lâm cho biết.

Bị nạn vì đường hẹp, xấu, nhiều giao cắt

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT và Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP), có chung nhận xét: Cầu đường hẹp, xấu, nhiều giao cắt, mặt đường thường bị chiếm dụng… mà cho nâng tốc độ lên tối đa (80 km/giờ với ô tô, 60 km/giờ với xe máy) cũng đã góp phần làm cho số vụ, số người chết vì TNGT tăng cao.

Đại diện Ban An toàn giao thông quận Bình Tân dẫn chứng đoạn quốc lộ 1 qua quận dài chỉ 9 km nhưng qua nhiều khu dân cư đông đúc và thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường. Làn hỗn hợp bên ngoài quá hẹp, mặt đường xấu… cũng là những nguyên nhân chính làm tăng TNGT. “Tốc độ qua một số đoạn, vị trí trên quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân chỉ nên là 60-40 km/giờ thay vì 80-60 km/giờ như hiện nay” - đại diện Ban An toàn giao thông quận Bình Tân đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới