Về phía xã hội nói chung, nhà nước nói riêng vẫn chưa thấm vào máu, vào tế bào vai trò cần có của doanh nhân, vì chúng ta vắng bóng rất lâu, thậm chí không có “chủ nghĩa trọng thương” và cho đến bây giờ cái tư tưởng đó vẫn chưa hết.
Về bản thân đội ngũ doanh nhân vẫn còn ở tầm nhìn lũy tre làng, cỏn con khá phổ biến, chưa có cái nhìn xa rộng. Từ chỗ đó chúng ta vấp phải hiện tượng tự ti đối với bên ngoài, tôn thờ cái bên ngoài. Đồng thời với đó là hiện tượng ngược lại không chịu khó học hỏi từ bên ngoài còn phổ biến trong 10 năm qua.
Thêm một điều nữa là không biết làm sao chúng ta cứ kè cựa hơn nhau một “tiếng gáy”. Sự gắn kết với nhau sao mà khó thế, rất khó! Làm sao để có sự liên kết là một vấn đề khó không chỉ đối với các doanh nhân mà các tỉnh, địa phương cũng thế. Không biết vấn đề này ngấm trong máu chúng ta hay như thế nào? Có lẽ tất cả chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta đều giỏi, khó ngồi lại với nhau nên sự phối hợp rất khó chăng? Có ông bạn Nhật hỏi tôi: “Vì sao đất nước ông chưa phát triển lắm?”. Tôi cũng nói lý do thế này thế kia nhưng có một nét tôi không để ý là người Việt Nam thông minh lắm, ai cũng thông minh cả nên bất kỳ điều gì xảy ra cũng tranh luận triền miên nhưng không đi đến đâu hết. Còn người Nhật họ nói cái gì họ làm cái đó. Vấn đề của chúng ta là thích tranh luận triền miên kéo dài, cả cấp quản lý, cấp làm chính sách… vấn đề kết hợp với nhau rất là yếu.
Một điểm khá phổ biến là chữ “tin” của chúng ta chưa được đề cao. Có lẽ do truyền thống “không trọng thương” mà ra. Tôi hay nói đùa như thế này, khi ngồi với nhau chúng ta thường hẹn nhau “hôm nào làm cái này cái kia”. Nếu dịch ra tiếng Anh từ hôm nào của Việt Nam là “never” nghĩa là không bao giờ cả. Câu chuyện “hôm nào” của Việt Nam rất phổ biến. Cả trong quản lý cũng thế, đi họp hành chẳng bao giờ đúng giờ. Đó cũng là nhược điểm của chúng ta.
Một nhược điểm nữa là do thời bao cấp để lại, chúng ta vô hình trung vẫn còn trong đầu cái “gen” bao cấp chờ đợi từ Nhà nước tương đối trầm trọng.
Cuối cùng tôi có tâm tư rất nặng nề. Mười năm qua đến nay chúng ta sắp bước vào giai đoạn mới với tuyên bố năm 2020 đất nước chúng ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại. Đó là ước mơ bao thế hệ nhưng xem ra chúng ta chưa có ngành gì cả. Luyện kim cũng chưa đến đâu, cơ khí cũng chẳng có gì, đóng tàu đi đâu mất rồi, chiến lượt ô tô rất là hoành tráng nhưng chưa thấy cái ô tô nào của Việt Nam, rồi công nghệ điện tử, smartphone quanh đi quẩn lại toàn hàng nước khác cả.
Nếu chúng ta muốn vượt qua khó khăn để phát triển lâu dài, để lớn lên thì bên cạnh phát huy những mặt tích cực thì phải làm sao khắc phục những nhược điểm để lại trong “gen” của chúng ta. Có muốn thoát ra được điều này hay không Nhà nước phải chịu trách nhiệm rồi nhưng cũng rất trông chờ vào sự bức phá của đội ngũ doanh nhân ngày nay.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
(T.HẰNG ghi)