Chiếc xe khách 29 chỗ gây tai nạn cho những người chờ đen đỏ chiều 13-2-2017 khiến hai bé gái chết tại chỗ, còn người mẹ thương tật 53%.
Nhiều chuyên gia đã phản đối lập luận này của CQĐT Công an thị xã Dĩ An.
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, cho rằng kết luận này của công an không khách quan và không khoa học.
Ông Hùng phân tích: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì đã thỏa mãn dấu hiệu của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS.
Trường hợp này, gây thiệt hại nhân mạng và tài sản thì đã rõ. Còn việc có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không thì đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ, tài xế này đã vi phạm các điều 70, 59 và 53 luật này. Theo đó: Trách nhiệm của người lái xe trên xe ô tô vận tải hành khách là phải kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành, trong đó có hệ thống phanh. Phanh xe rất quan trọng trong cuộc đời người lái xe. Nếu không kiểm tra hoặc kiểm tra mà không phát hiện rằng phanh không đảm bảo điều kiện để lưu thông, từ đó buộc phải dừng hành trình để khắc phục, thì người lái xe đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn. Luật đặt ra quy đinh này để bảo đảm kỹ năng, tay nghề của tài xế phải tương xứng với đòi hỏi kỹ thuật, cách thức xử lý tình huống đối với loại xe mà tài xế điều khiển để đảm bảo an toàn cho chính tài xế và người khác. Do đó, khi tài xế được cấp giấy phép lái xe ở mức thấp mà điều khiển xe đòi hỏi phải có giấy phép ở hạng cao hơn thì tài xế đã vi phạm quy định.
Luật cũng quy định điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực...
Từ các phân tích trên cho thấy tài xế vừa vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng và thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác... Do đó, việc không khởi tố với nhận định mất phanh là yếu tố khách quan là không thuyết phục.
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM: Nhận định và kết luận của CQĐT Công an thị xã Dĩ An không phù hợp kết quả giám định hệ thống phanh ô tô. Bởi lẽ giám định xe xác định hệ thống phanh chính trước và sau tai nạn không bảo đảm. Nói mất phanh ngay trước khi gây tai nạn là nhận định chủ quan của công an. Theo kết luận giám định thì chủ xe đưa xe vào kinh doanh không bảo đảm, tài xế không kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe khi lưu thông, thì khi xảy ra tai nạn làm thiệt hại nhân mạng và tài sản, cả hai phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng.
Nhận định rằng việc tài xế không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn là một nhận định không khách quan. Mỗi khi chưa đủ tiêu chuẩn thì không có quyền điều khiển và khi điều khiển sẽ có thể không đủ năng lực xử lý tình huống dẫn đến gây tai nạn.
Luật gia Phạm Đức Trị nhận xét thêm: Mất phanh vượt khỏi tầm kiểm soát của người điều khiển. Tuy nhiên, cần phải xem xét nguyên nhân mất phanh và yếu tố còn trong thời hạn kiểm định hay không, có kiểm định hay không. Phải kiểm tra việc mất phanh có mang tính khách quan ngoài phạm vi kiểm soát hay không. Nếu có bằng chứng chứng minh việc mới thay phanh (ví dụ chứng từ, hóa đơn sửa chữa xe) thì đây là yếu tố khách quan. Còn nếu kiểm tra, giám định tình trạng phanh mà thấy rằng phanh quá cũ, không đảm bảo an toàn thì chủ xe đã không thực hiện việc bảo trì, kiểm tra thường xuyên, đây có lỗi của chủ xe. Ngoài ra phải xem việc mất phanh là nguyên nhân duy nhất hay không".