Không làm đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

- đây là một trong những nội dung đáng chú ý của quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng vừa phê duyệt.

Trong quy hoạch điều chỉnh, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến năm 2020, TP.HCM phải xây dựng 2-3 tuyến metro để cùng với xe buýt, taxi đảm nhận 20%-25% nhu cầu đi lại của người dân. Còn trước mắt, ô tô con, xe máy vẫn là phương tiện chủ lực đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng sau đó, tỉ lệ xe cá nhân sẽ giảm dần còn 51%-61% (đến năm 2030) và 35%-45% (sau năm 2030). Với nội dung cụ thể này, những lo lắng bấy lâu nay của người dân TP về những biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân đã vơi đi phần nào.

Ông Trương Văn Hòa (quận 3, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi từng nghe nhiều biện pháp đặt ra để hạn chế ô tô cá nhân, xe máy như cấp quota, quy định thời gian thường trú mới cấp đăng ký… Nhưng với quyết định này, chúng tôi yên tâm phần nào về lộ trình thực hiện những biện pháp hạn chế xe cá nhân”.

Một vấn đề từng gây nhiều tranh cãi trước đây là TP dự kiến xây dựng tuyến đường trên cao số 1 đi trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được cải tạo, chỉnh trang. Tuyến đường bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa rồi chạy theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kết thúc ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dự án này có tính khả thi cao do diện tích giải tỏa không nhiều. Nhưng nhiều người băn khoăn là tuyến đường này sẽ phá vỡ cảnh quan tuyến kênh vừa được cải tạo hoàn chỉnh.

Nay Thủ tướng vẫn duyệt cho TP xây dựng tuyến đường trên cao số 1 bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa nhưng lái lệch sang hướng Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) để đổ ra đường Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long… Quy hoạch mới cũng điều chỉnh hướng tuyến của một số tuyến trên cao khác, đồng thời bổ sung một tuyến đường trên cao số 2 dài 34 km, bắt đầu từ nút giao Trạm 2 đi theo quốc lộ 1 và kết thúc ở nút giao An Lạc.

Trong quy hoạch điều chỉnh, tuyến metro số 1 sẽ kéo dài đến ngã ba Chợ Sặt (Biên Hòa, Đồng Nai) và đến Mỹ Phước (Bình Dương) thay vì kết thúc tại Suối Tiên như hiện nay. Riêng đường sắt quốc gia, đoạn trên cao đi qua TP.HCM sẽ được cắt ngắn còn từ Bình Triệu đến Hòa Hưng thay vì đến Tân Kiên (huyện Bình Chánh) như trước.

Ngoài ra, quy hoạch cũng yêu cầu TP.HCM đầu tư sáu tuyến xe buýt nhanh (BRT) chạy theo đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, trục Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, trục đường Thoại Ngọc Hầu ra Nguyễn Văn Linh, dọc theo đường Quang Trung…

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm