Thanh tra Sở TT&TT Thừa Thiên-Huế vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính MobiFone Thừa Thiên-Huế 35 triệu đồng vì bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn, đăng ký không chính chủ.
Vậy số phận những SIM kích hoạt sẵn như trên sẽ như thế nào?
SIM kích hoạt sẵn được bán bởi nhà mạng
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm các hành vi bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền; bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước...
Văn bản số 866 của Bộ TT&TT nêu rõ: “Nếu vẫn còn hiện tượng bán SIM rác trên thị trường trong thời gian tới, chủ tịch, tổng giám đốc của doanh nghiệp viễn thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định của pháp luật”.
Trong sự việc ở Thừa Thiên-Huế vừa rồi, việc bán SIM kích hoạt sẵn này lại được thực hiện bởi một nhà mạng. Cụ thể, thông qua ứng dụng đô thị thông minh Hue S, Thanh tra sở này nhận phản ánh của người dân về việc Công ty Viễn thông MobiFone Thừa Thiên-Huế bán SIM kích hoạt sẵn, đăng ký không chính chủ tại địa bàn xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.
Hành vi bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của MobiFone tỉnh Thừa Thiên-Huế vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020 của Chính phủ như đã nêu trên.
Theo đó, điểm bán SIM sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng nếu có hành vi bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Theo Nghị định 49/2017, người dùng có trách nhiệm cập nhật lại thông tin thuê bao khi phát hiện thông tin thuê bao của mình không đúng. Ảnh: V.THỊNH
Vẫn còn tình trạng SIM rác
Mới đây nhất, cả ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đã ra thông báo dừng bán bộ hòa mạng (KIT) tại các đại lý ủy quyền và dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đại lý này kể từ tháng 6-2020.
Giải thích về quy định mới này, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay: Từ năm 2019, Bộ TT&TT tổ chức thanh tra diện rộng trên cả nước đối với việc đăng ký, quản lý thông tin SIM thuê bao.
Kết quả thanh tra cho thấy vẫn tồn tại tình trạng SIM rác đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Người dùng di động vì thế có thể dễ dàng tìm mua SIM kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký, khai báo thông tin thuê bao.
Những vi phạm này chủ yếu diễn ra tại các đại lý ủy quyền của doanh nghiệp viễn thông. Trên cơ sở các kết luận thanh tra, Bộ TT&TT đã có văn bản nhắc nhở lần một đối với người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông di động về vấn đề SIM rác, SIM kích hoạt sẵn.
Trước câu hỏi về việc ngừng bán SIM qua đại lý liệu có ảnh hưởng đến người dùng, đại diện Cục Viễn thông khẳng định các nhà mạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua SIM, đăng ký thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ viễn thông khác.
Khách hàng nên mua SIM trắng Liên quan đến việc người dân ở Thừa Thiên-Huế mua phải SIM đã kích hoạt sẵn do MobiFone Thừa Thiên-Huế bán ra, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra (Bộ TT&TT), thừa nhận việc làm này của MobiFone Thừa Thiên-Huế là sai và đã bị xử phạt. Tuy nhiên, ông Trí cũng cho biết bản thân người dân khi mua SIM đã đăng ký và dùng được mà không cần phải khai báo thông tin thêm là không thực hiện đúng theo quy định hiện tại. “Người dân nên mua SIM trắng, sau đó đăng ký thông tin một cách rõ ràng mới đúng. Nếu người dân mua SIM đã được đăng ký thì đó cũng là mua SIM rác” - ông Trí nói. Theo ông Trí, để sử dụng SIM đúng và không bị gián đoạn, người dân nên thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao một cách chính xác, đầy đủ. |