Không nên phân biệt quốc tịch hành khách khi nối lại bay quốc tế

Trong văn bản góp ý với Bộ Y tế về hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh, Bộ GTVT cho rằng lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo sớm mở cửa đường bay thường lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện cho bà con người Việt tại nước ngoài về nước, cũng như khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, kinh doanh, làm việc. Nên chính sách y tế đối với hành khách là điều kiện hết sức quan trọng.

Tuy nhiên về đối tượng áp dụng, Bộ GTVT cho rằng dự thảo của Bộ Y tế chỉ đề cập tới đối tượng là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân mà chưa đề cập tới đối tượng khách quốc tịch nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam để du lịch, kinh doanh, làm việc…

Chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Ảnh: V.LONG

Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan, Singapore, Campuchia … đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách quốc tế, Việt Nam rất cần nới lỏng các chính sách để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam làm việc, đầu tư, du lịch … Qua đó góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cạnh đó chuyến bay quốc tế thường lệ được mở bán công khai cho tất cả các đối tượng khách, nên Bộ GTVT đề nghị chỉ quy định các điều kiện, tiêu chí về y tế và dịch tễ, không phân biệt giữa đối tượng hành khách vận chuyển theo quốc tịch. Đây cũng là nội dung quan trọng để có thể đàm phán thống nhất với các nước và vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại, nhằm thực hiện kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Bộ GTVT đề nghị cần yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm y tế để đảm bảo chi phí chữa bệnh trong trường hợp khách mắc COVID-19 tại Việt Nam.

Hành khách cũng cần cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử, phần mềm quản lý COVID-19 trước khi lên chuyến bay để tiết kiệm thời gian khi nhập cảnh; làm rõ quy định sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử đối với người không sử dụng điện thoại như người già, trẻ em…

Bộ Y tế cũng cần có quy định cho hành khách nối chuyến đi tiếp quốc tế mà không nhập cảnh vào Việt Nam. Với hành khách này, cần chấp nhận và tổ chức khu vực nối chuyến đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Với khách từ chuyến bay quốc tế đến Việt Nam nối chuyến đi tiếp chuyến bay nội địa, Bộ GTVT đề nghị cần chấp nhận cho khách nối chuyến đi tiếp nội địa. Trường hợp không tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho khách ngay tại sân bay nhập cảnh thì có thể xét nghiệm tại nơi khách đến.

Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo phòng, chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh qua đường hàng không, nhằm nối lại đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 1-1-2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải đáp ứng nguyên tắc chung là có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi nhập cảnh 72 giờ, trừ trẻ em dưới 2 tuổi.

Với công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (vợ, chồng, con) cần tiêm đủ liều vaccine COVID-19 trước khi nhập cảnh. Trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 sẽ được tiêm miễn phí trong thời gian cách ly.

Khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách tiêm đủ hai liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19  tự theo dõi sức khoẻ và không được ra khỏi nhà hoặc nơi lưu trú trong 3 ngày; không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong 10 ngày tiếp theo, đến ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh.

Với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong bảy ngày. Thời gian này, hành khách xét nghiệm âm tính COVID-19 cần tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày.

Với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ hai liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm