Không nên quy định làm “chậm hóa” báo chí

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về một số quy định gây khó cho tác nghiệp báo chí, bên lề hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí do ủy ban này tổ chức tại TP.HCM ngày 28-7.

Liên quan đến Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao quy định nhà báo tác nghiệp tại tòa phải có hai loại giấy tờ là thẻ nhà báo và giấy giới thiệu, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan báo chí lấy thông tin. “Thực chất thì chỉ cần có thẻ nhà báo là hành nghề được rồi. Một cơ quan có thẩm quyền đã cấp thẻ nhà báo thì cái thẻ ấy chính là giấy thông hành để hành nghề” - ông Tiến nói. Ông Tiến đề nghị bên cạnh việc quản lý tốt báo chí cũng cần tạo điều kiện cho báo chí phát triển và hội nhập, tạo điều kiện cho nhà báo có được thông tin kịp thời để viết được các bài báo có chất lượng. “Thẻ nhà báo thì lúc nào cũng thường trực trong túi của nhà báo. Khi xuất hiện một thông tin nóng nào đó thì nhà báo phải tác nghiệp nhanh nhạy nhất trong khả năng có thể của mình. Giờ quy định thế, nhà báo phải quay về cơ quan lấy giấy giới thiệu. Như thế nhà báo sẽ bị chậm thông tin không phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay” - ông Tiến nhìn nhận. Trước ý kiến của nhiều người về việc để phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí, TAND Tối cao nên sửa lại Thông tư 01/2014 cho nhà báo dự tòa chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu, ông Tiến cho rằng Bộ Tư pháp đã thấy bất hợp lý và có kiến nghị, đề xuất cụ thể để sửa quy định này. Vì thế các cơ quan chức năng liên quan cần phải xử lý thấu đáo vấn đề trên.

Về vấn đề hiện nay có một số cơ quan cản trở báo chí tác nghiệp và từ chối phát ngôn, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước theo Luật Báo chí chứ không phải các cơ quan ban phát thông tin cho báo chí. “Nếu có lý do nào đó anh chưa cung cấp ngay được thì các cơ quan nhà nước phải hẹn thời gian chứ không thể nói là anh không cung cấp thông tin cho báo chí được, trừ trường hợp đó là những thông tin bí mật theo quy định pháp luật” - ông Tiến lý giải.

Theo quy định nếu không thực hiện đúng quy chế phát ngôn thì có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thực tế nhiều nơi từ chối phát ngôn cũng chẳng bị sao. Với phản ánh này ông Tiến cho rằng khâu thực hiện của chúng ta không nghiêm. “Nếu báo chí phản ứng và yêu cầu phải xử lý đối với người không cung cấp thông tin cho báo chí thì chắc chắn là cơ quan chức năng sẽ phải xử lý đúng quy chế” - ông Tiến nói.

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm