Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết thông tin trên tại hội thảo giáo dục đặc biệt cho học sinh/sinh viên Việt Nam tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – GDTX và các cơ sở giáo dục đặc biệt. Sự kiện do Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức chiều nay (20-3).
Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2016, hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên (khoảng hơn 6,2 triệu người) là người khuyết tật. Trong đó, tỉ lệ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần thành thị.
Cơ hội tiếp cận trường học của trẻ khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ không khuyết tật.
Tỉ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật là 81,67%, trong khi trẻ không khuyết tật là 96,05%. Chênh lệch về tỉ lệ đi học giữa trẻ khuyết tật và không khuyết tật tăng lên ở các cấp học cao hơn. Đến cấp THPT chỉ có 33,56% em đi học đúng tuổi, so với 68,65% trẻ em không khuyết tật.
Khảo sát tại Sơn La, Đồng Tháp và Vĩnh Phúc cho thấy trẻ khuyết tật vận động là nhóm trẻ tham gia học tập cấp THPT nhiều nhất. Trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật tâm thần kinh và trẻ khuyết tật nghe nói tham gia học tập nhiều nhất ở cấp tiểu học, giảm ở cấp THCS và không tham gia học cấp THPT.
Có gần 36% tổng số trẻ khuyết tật chưa được đi học. Trong đó, số trẻ khuyết tật chưa đến tuổi đi học rất ít, 97% thuộc nhóm chưa được đến trường do các điều kiện khách quan và chủ quan.
Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng cần có sự điều chỉnh về chính sách và các điều kiện giáo dục để mọi trẻ khuyết tật đều được thụ hưởng nền giáo dục hòa nhập, công bằng, có chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cùng các đại biểu khởi động Dự án thí điểm hợp tác giáo dục đặc biệt giữa Nisai Group (Anh Quốc) và tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.AN |
Là địa phương chưa có trường chuyên biệt, đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho hay, địa phương đã quy hoạch xây dựng một ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật trên địa bàn. Đây là nguyện vọng, mong mỏi tha thiết của nhiều bậc cha mẹ có con em không may phải chịu thiệt thòi, khiếm khuyết về sức khỏe.
Bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết số trường chuyên biệt công lập và tư thục dành cho trẻ khuyết tật còn rất ít.
Tại Hà Nội, địa bàn rất rộng nhưng chỉ có 3 trường chuyên biệt công lập thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội và có 1 số trường thuộc UBND quận/huyện.
Các đại biểu trình bày tại hội thảo. Ảnh: T.AN |
Khi tiếp nhận học sinh, các trường không có giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt, việc giảng dạy do chính GV chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nên không có nhiều thời gian dành cho các em.
Cạnh đó, giáo viên thiếu kiến thức, hiểu biết về đối tượng và kỹ năng dạy học sinh khuyết tật nên việc hỗ trợ cho các em ít hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh luôn tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên chuyên biệt, chuyên gia tại các trung tâm tư thục. Việc này gây tốn kém về thời gian, kinh tế, mệt mỏi về tâm lý mà chuyển biến của học sinh cũng rất chậm.
Theo bà Ly, khi học sinh khuyết tật không nhận được hỗ trợ, can thiệp kịp thời từ chuyên gia, các em có thể bị trôi qua giai đoạn vàng để khắc phục khiếm khuyết, nguy cơ sau này trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Cá biệt vẫn còn phụ huynh không muốn con bị phân biệt nên không thừa nhận tình trang sức khỏe của con, không hợp tác cùng giáo viên.
Trước thực trạng này, từ năm 2020, UBND quận Thanh Xuân đã thí điểm thực hiện hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường tiểu học, THCS công lập trên địa bàn.
Việc hỗ trợ thực hiện ngay tại trường, khoảng 2 buổi chiều/tuần, do nhóm chuyên gia và giáo viên về giáo dục đặc biệt thực hiện và tập trung vào các nội dung: các kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập, vận động tinh…, bước đầu nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh.
Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hỗ trợ học tập cho học sinh được thống nhất, hiệu quả, bà kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu ban hành Luật giáo dục dành cho người khuyết tật hoặc có văn bản pháp lý Chính Phủ, cấp Bộ GD&ĐT về nội dung này.