Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5-4-2024 gửi Thống đốc NHNN về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10-4. Tổ chức tín dụng nào không thực hiện, Thống đốc NHNN xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng nào che giấu lãi suất cho vay bình quân sẽ bị xử lý
Hiện một số ngân hàng đã thực hiện quy định này. Đối với nhóm big 4, Agribank đang có lãi vay trung bình là 7,47%/năm; BIDV (6,49%/năm); Vietcombank (6,4%/năm); Vietinbank (6,3%/năm).
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phẩn, lãi suất cho vay trung bình của TPBank là 7,76%/năm); Vietbank (7,32%/năm); OCB (7,79%/năm đối với cá nhân và 9,29%/năm đối với doanh nghiệp); VIB (8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp).
Tại ACB đang là 9,7%/năm đối với cá nhân và 9,33%/năm đối với doanh nghiệp; BVBank (9,4%/năm). Tại ABBank (7,42%/năm với khách hàng cá nhân và 6,12%/năm với doanh nghiệp); Sacombank (7,09%/năm); Eximbank (8,17%/năm).
Tại NCB không công bố mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhưng từ 1-3 áp dụng mức lãi suất tham chiếu dành cho khách hàng cá nhân là 8,5%/năm.
Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài như Hong Leong công bố lãi suất cho vay trung bình là 6,19%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và 6,5%/năm đối với khách hàng cá nhân.
Còn tại Agricultral Bank of China cũng vừa cập nhật mức lãi suất cho vay trung bình tháng 2-2024, trong đó lãi suất cho vay trung bình bằng VND là 3,84%/năm và vay bằng USD là 4,33%/năm.
First Commercial Bank áp dụng lãi suất cho vay trung bình bằng VND là 6,148%/năm và 6,302%/năm đối với cho vay bằng USD.
Mới đây, tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” đánh giá về việc công khai lãi suất cho vay, GS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Luật cho rằng: Một khi các ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay trung bình cũng đồng nghĩa họ đã mất đi tính cạnh tranh về giá vốn. Thay vào đó, từ nay các ngân hàng nên dịch chuyển sang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, về khả năng quản trị rủi ro. Nếu ngân hàng nào dịch chuyển nhanh hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
Trong trường hợp cả người vay lẫn ngân hàng cùng nhạy bén, thích ứng nhanh với sự thay đổi này thì hiệu quả của việc công khai lãi suất cho vay có thể sẽ tạo nên bước chuyển dịch mang tính lịch sử trong ngành ngân hàng.
Những chính sách đúng điểm rơi
Theo GS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, thời gian qua chúng ta nghe nói nhiều đến cụm từ “lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử”.
"Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu thống kê từ năm 2000 trở lại đây, tôi thấy rằng mức lãi suất hiện nay mới chỉ ở mức thấp tương đối, chứ không phải là thấp nhất. Hơn nữa, quan sát chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tôi thấy rằng biên lợi nhuận vẫn dao động từ 3-4%, không thay đổi nhiều so với trạng thái bình thường của nền kinh tế" - TS Xuân nói.
Song có một thực tế là khi ngân hàng niêm yết mức lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ tác động rất mạnh đến tâm lý, hành vi của khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Nó có thể kéo những ý tưởng đầu tư, những kế hoạch tiêu dùng trong tương lai dịch chuyển đến hiện tại".
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là điều kiện cần để chính sách lãi suất thấp phát huy tác dụng tối đa là gì?
Bà Xuân cho rằng trước hết, lãi suất thấp phải được duy trì ổn định trong khoảng thời gian đủ dài. Bởi nếu mặt bằng lãi suất thấp chỉ kéo dài trong thời gian ngắn sẽ rất khó tác động rộng rãi đến tất cả các thành phần trong nền kinh tế, mà chỉ tác động mang tính chất cục bộ. Qua đó, sẽ không giải quyết thấu đáo những vấn đề chúng ta đang mong muốn là thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Một yếu tố nữa cũng quan trọng không kém, đó là lãi suất thấp chỉ phát huy được tác dụng khi nền kinh tế thực sự bước vào pha phục hồi, chứ nếu như nền kinh tế đang ở bên sườn dốc thì lãi suất có thấp đến mấy cũng không thể tạo ra kết quả như kỳ vọng. Thật đáng mừng là qua số liệu cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đang bước vào pha phục hồi.
Do đó, cùng với chính sách giảm lãi suất cho vay một cách ồ ạt trên thị trường, cộng thêm với việc các nhà băng đang rốt ráo công khai minh bạch lãi suất cho vay bình quân được xem là những chính sách đã rơi “đúng điểm rơi”. Thậm chí, việc các ngân hàng công bố lãi suất cho vay trung bình tác động lớn hơn cả chính sách hạ lãi suất.
"Bởi lẽ, khi ngân hàng công khai lãi suất cho vay sẽ giúp người vay nhận thấy lãi suất danh nghĩa giảm và kỳ vọng lãi suất hiệu dụng (được tính gộp từ lãi suất danh nghĩa và các loại thuế, phí liên quan) cũng sẽ giảm theo.
Từ bây giờ người vay có một khung tham chiếu để nhận biết ngân hàng nào đang cho vay cao, ngân hàng nào đang cho vay thấp để đưa ra các quyết định tài chính của mình" - GS.TS Xuân nói.