Một chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Ngày con tôi vừa vào trường A, biết tôi làm tư vấn tâm lý, lãnh đạo trường đã dẫn đi xem phòng tư vấn và gợi ý hỗ trợ, tôi đồng ý. Tuy vậy, đã bốn năm trôi qua mà không thấy trường đề xuất gì, chỉ thi thoảng nhờ mời chuyên gia về nói chuyện trước cờ”.
Chủ yếu kiêm nhiệm, khó đáp ứng yêu cầu
Theo khảo sát của PV, đa phần trường học có phòng tư vấn tâm lý nhưng rất ít nơi có giáo viên chuyên trách cho vị trí này.
Theo lãnh đạo một trường THPT quận nội thành, trường chỉ có giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý đã được tập huấn. Để hỗ trợ học sinh nhiều hơn, trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề như ứng xử trên mạng xã hội, phiên tòa giả định về bạo lực học đường hay giảm áp lực vào mùa thi…
“Tuy nhiên, tất cả những hoạt động trên chỉ là giải pháp tạm thời. Dù Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 20 về vị trí việc làm tư vấn tâm lý trong trường học, song trường vẫn chưa thể tuyển dụng thêm vì còn dư giáo viên” – vị này cho biết.
Còn Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6) hiện chỉ có hai GV giáo dục công dân kiêm tư vấn tâm lý học đường. Hai giáo viên đã hoàn thành khóa đào tạo tâm lý sáu tháng và được cấp chứng chỉ.
“Trường không thể tuyển người do mức lương không tương xứng với công sức họ bỏ ra. Hơn nữa còn phụ thuộc vào biên chế được trên giao xuống. Do kiêm nhiệm nên các giáo viên cũng không thể túc trực thường xuyên, khi nào có vấn đề mới giải quyết” – ông Cường thông tin thêm.
Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) đã từng tuyển dụng được giáo viên tư vấn tâm lý học sinh, tuy nhiên sau một thời gian ngắn cô đã xin nghỉ việc với lý do mức lương quá thấp. Hiện vị trí này do một giáo viên có năng lực sư phạm tốt, nhiều kinh nghiệm kiêm nhiệm.
Nỗ lực tìm cách để HS chịu giãi bày
Trong khi ở nhiều trường, phòng tư vấn tâm lý đóng cửa im lìm thì ở Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3), giờ ra chơi tấp nập học sinh ra vào phòng này. Các em đến để được trò chuyện với chuyên viên tâm lý, tham gia các hoạt động nhóm, trắc nghiệm vui…
Cô Hồ Hà Uyên, chuyên viên tâm lý của trường, cho biết để thu hút học sinh, phòng tư vấn không chỉ tư vấn cá nhân mà còn tổ chức tư vấn theo nhóm.
Phòng GD&ĐT quận 3 đã thực hiện mô hình tư vấn tâm lý học sinh trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, mỗi học sinh bậc THCS đều được cấp tài khoản để xem các bài viết về tâm lý, làm trắc nghiệm tâm lý, trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp trên trang web và app. Ngoài ra, các em có thể nhắn tin, hẹn gặp trực tiếp chuyên gia tâm lý tại bốn phòng tâm lý trong quận, hoặc có thể chat nhanh với chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp từ các đơn vị hỗ trợ.
Ông PHẠM ĐĂNG KHOA - Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, TP.HCM
Thường xuyên ghé phòng tư vấn tâm lý, VT (học sinh lớp 9), tâm sự có những chuyện em không thể chia sẻ với những người thân, nhưng ở phòng tư vấn tâm lý em có thể thoải mái giãi bày với người mình tin tưởng. Nhờ vậy, em có sự cân bằng và luôn thấy cuộc sống nhiều điều vui vẻ.
“Em từng bị bạn chọc phải chăng có vấn đề tâm lý nên mới đến phòng này, song em không bận tâm về điều đó. Ở đây em tìm thấy thứ em cần, đó là những câu chuyện của em được lắng nghe, được thấu hiểu, em nhận được sự chia sẻ” – T tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau dịch COVID-19, số lượng học sinh gặp vấn đề tâm lý có xu hướng tăng rõ. Được sự hướng dẫn của phòng GD&ĐT, trường đã ký hợp đồng với một đơn vị để xây dựng phòng tư vấn có chuyên viên hỗ trợ.
Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) dù đã có giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý, song để hiệu quả hơn, đầu năm học này trường thành lập tổ tư vấn tâm lý 5 người. Trong đó, phó hiệu trưởng phụ trách chung; 4 giáo viên chia nhau phụ trách các mảng phương pháp học tập – hướng nghiệp, tư vấn tâm lý, tư vấn tình cảm và giới tính, sức khỏe sinh sản.
Theo cô Nguyễn Thị Lê, giáo viên tâm lý của trường, phòng tư vấn được thiết kế kín đáo, gần gũi để tránh học sinh có cảm giác ngại. Cạnh đó, tổ còn tư vấn qua zalo, có trang web “nhỏ to tâm sự” để tiếp nhận ý kiến, tâm tư của học sinh nhằm hỗ trợ các em kịp thời. Với những vấn đề nhiều em gặp phải, tổ sẽ tổ chức chuyên đề ở sân trường để cùng chia sẻ.
“Vấn đề các em thường gặp là mâu thuẫn với bạn bè, bất đồng quan điểm với gia đình, chuyện khó nói về giới tính... Có em tâm sự rất buồn vì gia đình không chấp nhận giới tính thật của mình. Ngoài lắng nghe, chia sẻ với em, tôi đã liên hệ phụ huynh để trao đổi, tìm cách sớm tháo gỡ khúc mắc này…” – cô Lê kể.
Thầy Lâm Qúi, giáo viên tư vấn tâm lý Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp), cho biết có phòng tư vấn nhưng nếu không biết cách thu hút học sinh thì cũng “ế dài”.
“Giờ ra chơi tôi thường chủ động hỏi han, trò chuyện với học sinh để tạo sự gần gũi. Trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, tôi nhắn nhủ các en khi cần tìm hiểu về sức khỏe giới tính, cần người lắng nghe... hãy tìm đến tôi. Ngoài ra, tôi xây dựng đội ngũ cộng tác viên là học sinh để giúp kết nối với các em khác hiệu quả hơn” – thầy Qúi tâm sự.
Điều 5 Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT quy định về nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh tại trường phổ thông như sau: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; Giáo dục kỹ năng ứng phó, chống bạo lực, xâm hại, ứng xử văn hóa; tư vấn cách giải quyết vấn đề trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè… Kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp.
Ngoài ra, giới thiệu học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý khi học sinh bị rối loạn tâm lý.
Kỳ tới: Cần nhưng không dễ thực hiện