'Không phải cứ hạ cánh an toàn, làm sao thì làm rồi anh về'

Ngày 4-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ cho biết dự thảo thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức có 13 nội dung cần được quan tâm lấy ý kiến; Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung có sáu nội dung cần được lấy ý kiến.

Theo đó, một số nội dung được nhiều đại biểu góp ý gồm chính sách đối với người có tài năng, phương thức tuyển dụng công chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, thời hiệu xử lý kỷ luật, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu…

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ Nguyễn Duy Bình phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ảnh: NN

Ông Nguyễn Duy Bình - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho biết đối với quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, “quan điểm của Sở Nội vụ là phải xử lý nhưng đúng quy định và phải có trình tự”.

Theo ông Bình, qua nghiên cứu dự thảo thì thấy đối tượng điều chỉnh của dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức không điều chỉnh đối với đối tượng là cán bộ nghỉ hưu. Việc này theo ông Bình: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn” vì nguyên tắc luật là phải có phạm vi, đối tượng. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định: “Quan điểm chúng tôi là phải xử lý, chứ không phải cứ hạ cánh an toàn, làm sao thì làm rồi anh về”.

Thứ hai là vấn đề thời hiệu (xử lý kỷ luật) đối với cán bộ nghỉ hưu phải khác với “mấy ông công chức”. Theo ông Bình, có những sự vụ vi phạm cách đây 10 năm, trong khi dự thảo đề xuất thời hiệu tối đa năm năm. Do đó, đối với trường hợp này cần phải quy định thời hiệu như thế nào chứ để năm năm thì “chúng tôi cũng rất đắn đo”.

Đồng thời, ông Bình góp ý cần làm rõ, nghỉ việc là thuộc trường hợp được cơ quan cho nghỉ theo quy định và trường hợp buộc thôi việc. Vậy thì đối tượng mà ngay tại thời điểm bị kỷ luật với hình thức cao nhất là buộc nghỉ việc rồi mà giờ cơ quan mời lại xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức vụ này kia thì còn phù hợp không, trong khi cái cao nhất của kỷ luật là buộc thôi việc thì đã làm rồi.

Góp ý chung, ông Bình đề nghị thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nên gộp chung là năm năm thay vì quy định trường hợp hai năm, trường hợp năm năm. Đại diện Khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ cũng góp ý nên để thời hiệu này là năm năm vì hai năm quá ngắn.

Đối với quy định về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới (Luật Viên chức), hầu hết các ý kiến góp ý đều chọn phương án 2 là viên chức sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn sau khi đã ký hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần).

Theo các đại biểu, việc giữ nguyên như vậy sẽ không gây xáo trộn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm