Sáng 23-7, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và những giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm 2020.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội của TP, làm cho TP khó có thể duy trì được mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% như mục tiêu ban đầu đề ra.
Theo ông Phong, dự báo của Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM có ba kịch bản tăng trưởng: 3, 4 và 5%.
"Bằng mọi giải pháp phải tập trung quyết liệt để thực hiện các giải pháp đó một cách có hiệu quả thì mới có thể đạt được kịch bản cao nhất mà của Viện Nghiên cứu và Phát triển đưa ra là 5%" - ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng nhiệm vụ từ đây đến cuối năm và xa hơn nữa vẫn là nhiệm vụ kép: Tiếp tục triển khai biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19, không để dịch bùng phát trở lại và duy trì các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch.
Do đó, ông Phong yêu cầu Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp phải duy trì và đề xuất các giải pháp theo từng tháng, từng quý.
"Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cần làm việc với Khu Công nghệ cao, Khu Công nghiệp và chế xuất để dự báo xem coi với việc cắt giảm đơn hàng như hiện nay thì có bao nhiêu doanh nghiệp ngừng hoạt động, làm mất việc bao nhiêu người lao động.
Đối với Sở Công thương phải dự báo xem coi với tình hình hiện nay thì những doanh nghiệp nào có nguy cơ đơn hàng bị cắt giảm. Dự báo này tính được không? Tính được chứ và chúng ta nắm được” - ông Phong yêu cầu.
Đối với chủ tịch UBND các quận/huyện, người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu cần nắm được có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc quận/huyện mình, từ đó gặp họ để trao đổi xem có khó khăn gì nhằm tháo gỡ. Còn những vấn đề nào vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay cho UBND TP, chứ không thể chung chung được.
“Mỗi quận/huyện đều có các loại hình doanh nghiệp khác nhau chứ không giống nhau. Do đó đề xuất giải pháp cũng phải cụ thể, phù hợp với địa phương đó. Hơn bao giờ hết trong những lúc khó khăn thì chúng ta phải chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là vấn đề về thuế, vốn, tín dụng... phải có những hành động cụ thể” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, có những doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào đơn đặt hàng nước ngoài, do đó chúng ta cũng sẽ tính toán được sẽ có bao nhiêu người lao động mất việc. Từ đó, ông yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cần hỗ trợ tính toán việc này.
“Giải pháp của chúng ta là làm sao thống kê được, nắm cho sát tình hình thực tế các doanh nghiệp, không để doanh nghiệp ngừng hoạt động" - ông Phong yêu cầu.
Toàn cảnh cuộc họp kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai trong những tháng cuối năm là về giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các dự án đã giao cho các quận/huyện và các ngành, ông Phong yêu cầu Sở KH&ĐT cần rà lại thật kỹ, nếu cần thiết thì điều chuyển vốn, để làm sao trước 15-10 phải giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%.
Đồng thời, phải lập ra danh sách trước 15-10 những dự án, công trình nào sẽ khởi công và những dự án nào sẽ khởi công vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
"Làm quyết liệt như thế thì mới thực hiện được cam kết với Chính phủ là giải ngân trên 95% đến cuối năm. Đây là trách nhiệm của chủ tịch các quận/huyện và thủ trưởng các đơn vị" - ông Phong nói.
Tại cuộc họp, ông Phong yêu cầu những tháng cuối năm TP cần quyết liệt triển khai chương trình chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, thực hiện đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông, triển khai đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp...
Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu các ngành, các cấp kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách, tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường các giải pháp thu thuế nợ đọng, thực hiện chi ngân sách theo đúng định mức, tiết kiệm chi...
“Phải nỗ lực làm hết sức mình, chứ không phải vì khó khăn mà lại bỏ quên trách nhiệm, càng khó khăn càng phải thấy trách nhiệm nặng nề của mình đối với người dân TP và cả nước” - ông Phong nói.
(PL)- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải giải quyết cho được ba điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gồm: vốn đọng, nợ (thanh toán) đọng và thủ tục đọng.