Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với các giải pháp quyết liệt ngay từ đầu như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay diệt khuẩn, hạn chế tụ tập đông người, khoanh vùng người bệnh..., tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã được kiểm soát, không rơi vào “giai đoạn dịch tăng tốc” như một số nước.
Kiểm soát tốt, giữa tháng 5 đi học lại
Theo ông Nhân, hiện TP chỉ mới sử dụng 3,5% công suất giường bệnh trong tổng số 1.000 giường đã sẵn sàng với đầy đủ các phương tiện để phục vụ công tác chống dịch. “Chúng ta cũng chưa phải trải qua giai đoạn tăng tốc nhưng không chủ quan, mà cần phải làm quyết liệt hơn công tác chống dịch. TP.HCM chuẩn bị bước vào giai đoạn sống chung với bệnh truyền nhiễm COVID-19 nhưng không có dịch COVID-19” - ông Nhân nói. Ông cho rằng để chuyển sang trạng thái mới cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng với tình hình kiểm soát dịch tốt như hiện nay thì dự kiến đến giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại. Đây cũng là thời điểm nghiên cứu cho các đơn vị sản xuất tăng tốc trở lại, phục hồi kinh tế.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết dịch đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TP nói riêng. Tổng sản phẩm trên địa bàn ba tháng đầu năm ước chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng hơn 7%). Mức tăng trưởng của các ngành kinh tế thấp và giảm so với các kỳ năm trước. Trong đó chịu tác động mạnh nhất là khu vực dịch vụ, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chỉ đạt hơn 1 tỉ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu được 947 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.
“TP.HCM sẵn sàng chuyển sang trạng thái mới để tập trung phát triển kinh tế - xã hội khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát, có thể phát sinh ca mới nhưng không thành ổ dịch, không lây lan trong cộng đồng” - ông Phong nói. Ông cũng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tận dụng “14 ngày vàng” để chống dịch có hiệu quả, trong đó thực hiện nghiêm giải pháp cách ly toàn xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Người dân giữ khoảng cách 2 m khi làm thủ tục tại bộ phận nhận và trả hồ sơ ở UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: N.YÊN
Tận dụng cơ hội xây dựng thành phố thông minh
Từ đó, ông Phong cho biết sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2020, có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên để đảm bảo mức tăng trưởng. Ngoài ra, TP sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp như tập trung kích cầu du lịch sau dịch, kiểm soát chặt chẽ thị trường đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, đẩy mạnh tỉ lệ giải ngân đầu tư công, tiếp tục đẩy nhanh xây dựng các dự án trọng điểm như tuyến metro số 1 và 2.
Theo ông Phong, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, TP.HCM xem đây là cơ hội đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi công nghệ thông tin, xây dựng TP thông minh, giảm tối đa suy thoái kinh tế sau dịch; tăng cường dịch vụ công trực tuyến. TP sẽ đảm bảo an ninh trật tự, kiên quyết xử lý nghiêm những ai lợi dụng dịch gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.
50% là mức đề xuất giảm tiền điện trong giờ cao điểm cho doanh nghiệp đến tháng 5-2020 mà chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị tại hội nghị trên. |
Về hỗ trợ doanh nghiệp, người đứng đầu chính quyền TP.HCM kiến nghị trung ương xem xét cho vay lãi suất ưu đãi giảm từ 30%; giảm 50% bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong hai năm 2020 và 2021.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Phong kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép TP.HCM thí điểm lại ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện thành trung tâm phát triển quỹ đất. Cùng với đó là thành lập ban quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước TP.HCM, thẩm định phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy trình chuyển doanh nghiệp vốn 100% nhà nước sang công ty cổ phần…
Ngoài ra, ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan giải quyết các khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM.
Tiếp tục giám sát chặt việc cách ly xã hội Những ngày qua, số người dân ra đường tăng trở lại với những lý do không rõ, không cần thiết nên UBND TP.HCM vừa tiếp tục ký văn bản về thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện, phường/xã tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong đó yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài (trừ các trường hợp thật sự cần thiết). Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đặc biệt, UBND TP cũng yêu cầu không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Ngoài ra, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người dân, cộng đồng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, phạm vi mình quản lý. Từ đó xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Thủ trưởng các sở/ngành, quận/huyện; chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo nói trên. |