LTS: Vụ bà Trần Thị Phụng có hành vi thô bạo khi tắm cho bé Hồ Thị Thúy Ngân ở Bình Dương gây bức xúc dư luận và đã được nhiều chuyên gia mổ xẻ, đánh giá dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Sau khi đăng tải ý kiến nhiều chiều, hôm nay, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của nhà báo, LS-TS Phan Đăng Thanh phân tích các luận điểm và cơ sở pháp lý về vấn đề này trong lúc chờ quyết định tiếp theo của cơ quan tiến hành tố tụng.
Gần đây, hành vi bạo lực thường xảy ra ở học đường: giữa học trò với nhau; hoặc thầy cô giáo đánh đập, hành hạ, làm nhục học trò; hoặc học trò đánh, chém thầy cô giáo… Công luận báo chí và dư luận xã hội thường gọi đó là hiện tượng “bạo lực học đường”. Hành vi bạo lực học đường mà thầy giáo, cô giáo thực hiện đối với học trò dưới 16 tuổi đều bị coi là “hành hạ trẻ em”, dư luận tỏ ra rất bức xúc, đòi phải xử lý nghiêm minh. Lẽ cũng dễ hiểu vì trẻ em là tương lai của đất nước nhưng còn ở độ tuổi không đủ khả năng tự vệ, nhất là các em đang được nuôi dưỡng, giáo dục ở các nhà trẻ, nhóm trẻ, trường mẫu giáo, mầm non… hoàn toàn lệ thuộc vào cô giáo.
Xử lý nghiêm minh bằng nhiều biện pháp phù hợp
Tuy nhiên, theo quan điểm pháp luật, “nghiêm minh”, “nghiêm trị” mà dư luận đang đòi hỏi đó không phải là xử lý cho thật nặng mà là phải xử lý đúng mức theo pháp luật: vi phạm nặng thì xử lý nặng; vi phạm nhẹ thì xử lý nhẹ; không vi phạm pháp luật (có thể chỉ vi phạm đạo đức) thì không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý nào cả.
Theo đó, nếu hành vi coi là “hành hạ trẻ em” xảy ra nơi trường, lớp thuộc cơ quan, tổ chức thì trước tiên người vi phạm phải bị xử lý kỷ luật theo quy chế của cơ quan, tổ chức đó. Thí dụ: giáo viên mầm non hành hạ trẻ em do mình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thì bị truy cứu trách nhiệm kỷ luật dưới hình thức khiển trách, cảnh cáo, chuyển công tác, buộc thôi việc (sa thải) v.v…
Bé Ngân (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn nhỏ tại nhà giữ trẻ. Ảnh:Vietgiaitri.com
Còn đối với nhà nước, việc hành hạ trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu ở mức độ thấp thì có thể bị chính quyền địa phương (chủ tịch UBND cấp xã hoặc trưởng công an cùng cấp…) xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 2 triệu đồng về hành vi trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của người khác (theo điểm k khoản 3 Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ).
Hành hạ là hành vi tàn ác lặp đi lặp lại…
Nếu hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em phát triển tới mức độ nguy hiểm đáng kể thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (tức là bị công an khởi tố, điều tra, viện kiểm sát truy tố ra trước tòa án để xử tội) về tội hành hạ người khác. Trường hợp người bị hành hạ là trẻ em thì bị truy cứu theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật Hình sự. Dù là phải chịu khung hình phạt nặng nhất của tội này nhưng hành vi hành hạ trẻ em, theo quan điểm pháp luật, cũng chỉ là phạm tội ít nghiêm trọng do gây nguy hại không lớn cho xã hội.
Theo pháp luật hình sự, hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình. Đến nay, các cơ quan chức năng chưa có văn bản giải thích thế nào là “đối xử tàn ác” nên thực tế có thể vận dụng theo quan điểm do các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành luật giải thích.
Thạc sĩ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, đã giải thích hành vi đối xử tàn ác cụ thể như: “đánh đập và các hành động bạo lực khác một cách có hệ thống, được lặp đi lặp lại nhiều lần”, “hành vi được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm (…). Nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người bị hành hạ thì cũng chỉ là thương tích nhẹ” (Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, Tập I, NXB TP.HCM, 2002, trang 171-172).
Tiến sĩ Phạm Văn Beo cũng giải thích: “Phải có đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi…” mới coi là hành hạ (Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Quyển 2, NXB Chính trị Quốc gia, 2003, trang 168).
Thạc sĩ Đoàn Tấn Minh là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm sát và xét xử cũng phân tích: “Hành vi đối xử tàn ác thường lặp đi lặp lại nhiều lần”. (Phương pháp định tội danh…, NXB Tư pháp 2010, trang 72) v.v… Nhiều quyển tự điển pháp luật cũng giải thích như vậy…
Cơ quan tố tụng phải chứng minh tội phạm
Như vậy, nếu hành vi tàn ác chỉ được thực hiện một lần (được một clip ghi nhận) chứ “không có yếu tố nhiều lần”, “lặp đi lặp lại trong một thời gian” thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Việc chứng minh “có nhiều lần” là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng (theo Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự). Nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được điều này thì phải kết luận không phạm tội. Vã lại, nếu chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị can thì cũng không thể coi đó là chứng cứ để buộc tội (theo khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Nói chung, theo quan điểm pháp luật, hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em tùy theo mức độ, có thể xử lý bằng nhiều cách: xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, cao nhất là xử lý hình sự và nếu có gây thiệt hại thì phải bồi thường theo trách nhiệm dân sự. Nhưng điều cần lưu ý là không phải lúc nào cũng phải dùng đến biện pháp mạnh để thị uy, đáp ứng tình cảm của dư luận. Vì về nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, người bị hại cũng như người phạm pháp đều được pháp luật bảo vệ phù hợp với số phận pháp lý của họ.
LS-TS PHAN ĐĂNG THANH