Về lâu dài nên nghiên cứu cách tuyển sinh các nước tiên tiến. Nhiều quốc gia trên thế giới không quan trọng hóa đầu vào ĐH mà chỉ chú trọng nhất đầu ra. Nhưng ta thì ngược lại: Đầu vào được lắp kín bằng những màn lưới quy chế dày đặc mà chỉ có Bộ (trước đây là Vụ ĐH, nay là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng) mới cho mở ra. Còn khi ra trường thì thả lỏng, phó mặc cho nhà trường.
Tại sao chúng ta không thực hiện như nhiều nước, thí dụ như Hoa Kỳ, trong quá trình một học sinh học từ tiểu học lên hết trung học, nếu em đó không rớt môn học nào thì được nhận chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông. Rồi học sinh đó ôn tập để thi lấy chứng chỉ SAT (chứng nhận đủ trình độ vào ĐH) và dùng nó để nộp cùng một lúc cho nhiều trường ĐH, xin học đúng một ngành học theo ước mơ của mình. Thời gian xét tuyển trong khoảng thời gian ghi trong lịch năm học của trường, không dài lê thê.
Ở Singapore, kinh nghiệm nhiều học sinh Việt Nam sang học THPT của Singapore, khi hoàn tất các môn học thì các em được cấp chứng chỉ phổ thông. Các em chỉ cần lên mạng của mấy trường ĐH bên Mỹ đăng ký gửi chứng chỉ và học bạ kèm theo đơn là được xét.
Kết quả đó có được nhờ Bộ Giáo dục Singapore và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ không quản lý từ “cây kim sợi chỉ” xuống từng trường học trong nước họ.
Ở nước ta, theo tôi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ nên nghiên cứu tổ chức thi như kiểu SAT, đồng loạt tổ chức tại các vùng trong nước, thuận tiện cho học sinh trung học. Có thể dùng cơ sở của trường ĐH trong vùng. Đây là kiểu thi trắc nghiệm đánh giá năng lực sẵn sàng học ĐH, CĐ của các em mà thôi, không phải lấy bằng cấp gì cả. Như thế sẽ không gây căng thẳng cho toàn xã hội như là thi lấy bằng cấp.
Từ năm 2016 trở đi, có thể mỗi năm cho phép các trường ĐH tuyển sinh theo từng học kỳ. Trước đó thí sinh nào đã có chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông thì sẽ thi lấy chứng chỉ năng lực vào ĐH-CĐ (SAT) tại cụm thi gần nhà mình nhất, rồi sẽ nộp đơn cho nhiều trường xin học đúng ngành nghề mơ ước của mình, để trong vòng hai tuần lễ là sẽ có kết quả.
Đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên chứng tỏ cho nhân dân thấy những sáng kiến thật sự đổi mới rất cơ bản và toàn diện của mình để giáo dục trong nước nhanh chóng bắt kịp với các nền giáo dục tiên tiến. Nếu cứ theo vết cũ mà xoay qua xoay lại rồi gọi là đổi mới thì không biết chừng nào mới chấm dứt rối rắm tuyển sinh!