Bộ trưởng GD&ĐT: ‘Tôi xin nhận trách nhiệm’

Chiều 21-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ GD&ĐT sau đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào ĐH-CĐ vừa kết thúc vào ngày 20-8. Báo cáo về đợt xét tuyển ĐH-CĐ vừa qua, bộ trưởng GD&ĐT cho biết dù có khoảng 8,1% thí sinh (TS) thay đổi NV nhưng đó cũng là một con số rất lớn khiến nhiều người dân và TS vất vả. Ông Luận cho rằng đây là một sự việc rất đáng tiếc và nhận trách nhiệm về Bộ.

“Đợt xét tuyển sinh ĐH-CĐ vừa rồi đã bộc lộ một số bất cập. Thứ nhất là để cho TS đăng ký bốn ngành và điều chỉnh NV của mình trong một thời gian dài lên đến 20 ngày. Rồi những quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) chưa được hợp lý đã tạo ra những lo lắng, căng thẳng của nhiều TS và phụ huynh. Tình trạng đi lại, chầu chực tại các trường ĐH đã gây ra sự tốn kém, phiền hà và lo lắng cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hứa sẽ có giải pháp chấm dứt tình trạng xét tuyển gây căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Có nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng đó nhưng có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng lặp của những giải pháp trong việc thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS. Thay mặt cho Bộ GD&ĐT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này” - ông Luận nói.

Bên cạnh đó, ông Luận khẳng định sẽ khắc phục những bất cập nêu trên. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo một số giải pháp để thực hiện việc xét tuyển tốt hơn trong đợt 2.

Theo ông Luận, trong đợt 2 TS chỉ cần đăng ký bằng một phiếu ĐKXT ghi tất cả NV của mình gửi về các trường ĐH-CĐ qua Sở GD&ĐT, qua các trường THPT nơi TS đang học tập hoặc thông qua đường bưu điện.

 “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường ĐH-CĐ nhanh chóng công bố kết quả xét tuyển sinh đợt 1, đồng thời công bố chỉ tiêu còn lại xét tuyển trong đợt 2. Trong đợt 2 này, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường sẽ công bố ngay kết quả xét tuyển và không chờ thời hạn 20 ngày như đợt 1” - ông Luận nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mục tiêu đặt ra là tạo thuận lợi, công bằng cho TS nhưng vẫn còn để nhiều người dân và TS rất vất vả.

“Qua đánh giá của GD&ĐT, ý kiến phát biểu của các cơ quan chức năng và dư luận, Bộ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, của dư luận, của học sinh để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm