Không quên Gạc Ma!

Sáng nay (13-3), tại Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và đông đảo người dân địa phương sẽ thực hiện nghi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Đây là sự kiện được đồng bào cả nước trông đợi và là điểm nhấn 27 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988 – 14-3-2015). Ban tổ chức đã chọn đồ án của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT TP.HCM) với chủ đề “Hành trình khát vọng” và tác phẩm “Những người nằm lại ở phía chân trời” của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Oanh Vũ) để phối thành đồ án tổng thể.

“Những người nằm lại phía chân trời”…

Chia sẻ về tác phẩm được chọn - “Những người nằm lại phía chân trời” - bà Lý Thị Liễu cho biết thiết kế của đài tưởng niệm là hình tượng các chiến sĩ cuối cùng giương cao ngọn cờ Tổ quốc trong ánh bình minh của mặt trời đang ló trên biển. Dưới chân họ là các đồng đội đã anh dũng ngã xuống trong lòng biển cả. “Tôi muốn ghi lại một cách chân thực, cô đọng về sự chiến đấu và hy sinh quật cường của các chiến sĩ Gạc Ma. Dẫu chỉ còn người lính cuối cùng thì ngọn cờ Tổ quốc thiêng liêng vẫn luôn giương cao và họ đã chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng”. Bà Liễu cho biết như thế và nói trong xúc động: “Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi khắc sâu, ghi nhớ họ, những con người nằm lại ở phía chân trời để cho cả dân tộc đi tới”.

Tác giả cho hay ngay từ khi cuộc thi thiết kế tượng đài chiến sĩ Gạc Ma được phát động, bà đã cùng chồng - nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu lịch sử. Đặc biệt, chồng bà cũng là một người lính. Ông Nới kể lại, như một cơ duyên trong cuộc đời làm điêu khắc khi chính bản thân ông vào thời điểm xảy ra “sự kiện Gạc Ma”, ông tham gia cộng tác với một đơn vị hải quân. Vì thế hơn ai hết ông thấu hiểu những hy sinh của biết bao chiến sĩ khi rời đất liền chiến đấu cho chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cảm xúc gửi gắm vào tác phẩm ngày hôm nay đã được nung nấu trong ông từ khi mới xảy ra. “Đó là một cảm hứng đặc biệt mãnh liệt!” - ông Nới nói.

Phối cảnh tổng thể Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: CÔNG THI (chụp lại)

Lịch sử là nguồn cảm hứng đặc biệt

“Làm thế nào để thể hiện chân thực, sinh động nhất về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường của các chiến sĩ Gạc Ma; khắc họa lại để các thế hệ đi sau có thể đồng hành, tiếp nối truyền thống của cha ông, hun đúc, gìn giữ lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ” - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, Sở QH-KT Nguyễn Anh Tuấn thổ lộ những trăn trở khi bắt đầu ý tưởng cho đồ án “Hành trình khát vọng”, đồ án thiết kế tổng thể Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

kiến trúc sư (KTS) tuổi đời còn rất trẻ, Nguyễn Anh Tuấn cùng nhóm KTS trẻ của trung tâm ngay từ đầu đã đặc biệt hào hứng với đề tài đặc biệt này. “Điều tâm niệm đầu tiên khi bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện ý tưởng chính là trách nhiệm của những người trẻ với lịch sử, với sự hy sinh cao cả và to lớn của các chiến sĩ Gạc Ma; với lịch sử đánh giặc giữ nước và gìn giữ hòa bình của dân tộc” - KTS Tuấn chia sẻ.

Đại diện cho nhóm tác giả, KTS Tuấn khẳng định lịch sử chính là nguồn cảm hứng đặc biệt. Anh đã cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu các tài liệu sử, những câu chuyện từ các nhân chứng để tạo ra tác phẩm với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ”. Thông điệp của công trình là lòng yêu nước, yêu hòa bình, mỗi người dân Việt Nam đều sẵn sàng xả thân vì chủ quyền lãnh thổ. Đó chính là giá trị truyền thống và sức mạnh của thời đại.

VIỆT HOA - CÔNG THI

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha, phía bắc bán đảo Cam Ranh. Toàn bộ nguồn kinh phí xây dựng tượng đài được huy động đóng góp của tổ chức công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước và những tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

Đồ án tổng thể của công trình gồm ba khu:

- Quảng trường tiếp đón và tượng đài: Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, tiếp đón khách tham quan.

- Thung lũng bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma: Biểu tượng là vòng tròn bất tử khắc họa lại hình ảnh các chiến sĩ xếp thành hình vòng tròn trước khi hy sinh, họ được ví như những bông hoa của biển. Khu vực này còn được bố trí khu triển lãm, chiếu phim, trưng bày để giúp người xem hiểu rõ về lịch sử. Theo KTS Nguyễn Anh Tuấn, tất cả câu chuyện, hình ảnh liên quan đến lịch sử chiến đấu, hoàn cảnh gia đình, những câu chuyện liên quan đến các chiến sĩ và gia đình đều được ghi lại nơi đây để cung cấp cho khách tham quan cái nhìn đầy đủ nhất về Gạc Ma.

- Khu vực thứ ba là quảng trường hòa bình: Là không gian sinh thái, thu hút các loài chim về đây làm tổ, thể hiện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

 ____________________________________________

Trong thông cáo báo chí về buổi lễ đặt đá cho công trình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Ngày 14-3-1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh.

Trong trận chiến, thiệt hại của Việt Nam bao gồm ba tàu bị bắn cháy và chìm, ba người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người mất tích. Sau này, Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 10 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Đã tròn 27 năm kể từ ngày trận hải chiến nổ ra, nhân dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ, hướng về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. (Theo Tuổi Trẻ 12-3)

_________________________________________

Việc xây dựng công trình nhằm bày tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân, đồng thời góp phần giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đại tá NGÔ MẬU CHIẾN, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa

Với anh em chúng tôi, việc xây khu tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa tại Khánh Hòa là điều rất mừng, bởi hằng năm những cựu binh Trường Sa đều mong muốn có một chốn thiêng riêng biệt. Qua đó tạo điều kiện cho chúng tôi không chỉ dâng hương vào đúng ngày đồng đội mình hy sinh (ngày 14-3 hằng năm), mà những anh em cả nước có dịp đi qua vẫn có thể ghé dâng hương tưởng nhớ đồng đội của mình.

Thương binh Trường Sa
NGUYỄN VĂN DŨNG
(Nha Trang)

Tôi rất xúc động trước việc xây khu tưởng niệm chiến sĩ Trường Sa, khu tưởng niệm lại rất gần các đơn vị hải quân đóng quân tại Cam Ranh. Từ đây không chỉ riêng tôi mà sẽ tạo điều kiện cho nhiều đồng đội và người thân của các liệt sĩ thường xuyên đến dâng hương tưởng niệm. Điều này càng tiếp thêm ngọn lửa truyền thống, noi gương các anh hùng liệt sĩ nói chung, trong đó có các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma và ở các điểm đảo khác tại quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu úy hải quân TRẦN THỊ THỦY, con gái anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, một trong số 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma ngày 14-3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm