Không thể để những bất thường về giá đất kéo dài lâu hơn nữa!

(PLO)- Những bất cập về giá bồi thường không chỉ gây thiệt thòi cho người dân mà còn gây bất ổn xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Suốt mấy thập niên qua, giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn là câu chuyện nóng bỏng trong quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án. Tổng kết từ Thanh tra Chính phủ, hơn 70% các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất các dự án.

Trước khi có Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, chủ yếu áp giá bồi thường với mức giá rẻ mạt. TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, tấc đất tấc vàng nhưng nhìn lại quá trình thu hồi đất, giá bồi thường đất nông nghiệp có những thời điểm 1 m2 chỉ đủ để ăn vài bát phở.

Dự án đường vành đai 3 tồn tại nghịch lý ở hai địa phương: TP.HCM lẽ ra giá bồi thường cao hơn Bình Dương nhưng trên thực tế thì ngược lại. Trong ảnh: Nút giao thông Tân Vạn trong dự án đường Vành đai 3.

Dự án đường vành đai 3 tồn tại nghịch lý ở hai địa phương: TP.HCM lẽ ra giá bồi thường cao hơn Bình Dương nhưng trên thực tế thì ngược lại. Trong ảnh: Nút giao thông Tân Vạn trong dự án đường Vành đai 3.

Khi Luật Đất đai 2013 ra đời, việc bồi thường về đất được xác định theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất với nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế giá bồi thường vẫn luôn thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Nguyên nhân là khi các địa phương lập bảng giá đất hằng năm, vẫn không thể nằm ngoài chiếc “vòng kim cô” là khung giá đất. Dù có hệ số điều chỉnh giá đất nhưng cũng không được vượt quá mức trần của khung giá đất. Trong khi đó, khung giá đất hiện nay chỉ bằng khoảng 30%-70% giá thị trường, kể cả đất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp.

TP.HCM đang triển khai thực hiện hàng loạt dự án trọng điểm nhưng bồi thường luôn là khâu khó khăn, vướng mắc lớn nhất, thậm chí bế tắc vì không nhận được sự đồng tình của người dân bị thu hồi đất. Đó cũng là một trong những lý do khiến hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn khảo sát đi thực tế tại huyện Hóc Môn. Ảnh: HĐND TP.HCM
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn khảo sát đi thực tế tại huyện Hóc Môn. Ảnh: HĐND TP.HCM

Đơn cử như dự án mở rộng tỉnh lộ 8 trên địa bàn huyện Củ Chi được phê duyệt từ năm 2015. Đây là tuyến đường lớn, sầm uất nhất tại huyện Củ Chi. Giá đất nông nghiệp mặt tiền đường người dân đang mua bán, chuyển nhượng là khoảng 40-50 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện, giá đất trong bảng giá nhân với hệ số K của Quyết định 28/2022 của UBND TP.HCM thì giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy ý kiến người dân được xác định 1 m2 đất nông nghiệp mặt tiền chỉ có giá khoảng 3,5 triệu đồng!

Lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết với mức giá này thì rất khó để thuyết phục người dân đồng tình. Sau khi tính toán, địa phương này dự thảo trình UBND TP mức giá 8,8 triệu/m2. Tuy nhiên, so với giá đất giao dịch của người dân trong thời điểm hiện tại thì con số chênh lệch là không hề nhỏ.

Tại buổi HĐND TP.HCM khảo sát thực tế về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại huyện Hóc Môn mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên nói đơn giá đất bồi thường hiện nay chưa sát với giá thị trường. Ảnh: HĐND TP.HCM

Tại buổi HĐND TP.HCM khảo sát thực tế về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại huyện Hóc Môn mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên nói đơn giá đất bồi thường hiện nay chưa sát với giá thị trường. Ảnh: HĐND TP.HCM

Hay như giá bồi thường cho đất nông nghiệp tại dự án xây dựng đường vành đai 3 nằm giáp ranh giữa Thủ Đức và tỉnh Bình Dương. Đều là đất nông nghiệp nhưng ở TP.HCM hiện nay thực hiện thẩm định giá theo cơ chế giá thị trường; và vì giá thị trường theo cách tính như đã nói nên kết quả cho ra vẫn là con số rất thấp. Trong khi đó, phía Bình Dương định giá đất nông nghiệp được thực hiện theo phương pháp lấy giá đất ở trừ đi tiền sử dụng đất thì ra số tiền bồi thường, vì vậy con số này là khá cao.

Rõ ràng là nghịch lý khi lẽ ra giá đất tại TP.HCM phải cao hơn rất nhiều lần so với Bình Dương nhưng thực tế thì ngược lại. Điều này dẫn đến sự so bì giữa người dân hai địa phương, từ đó dẫn tới công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng chậm khiến nhiều dự án chậm tiến độ.

Theo số liệu báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện nay có gần 1.100 dự án đầu tư công bị chậm tiến độ trên toàn quốc. Dự án kéo dài nhiều năm, thậm chí bị nhà thầu thi công đòi bồi thường hàng trăm triệu đô la do chậm bàn giao mặt bằng. Đó là bài học đau xót với các dự án hạ tầng quy mô hàng ngàn tỉ đồng đang được triển khai trên khắp cả nước.

Rõ ràng những bất cập về giá bồi thường không chỉ gây thiệt thòi cho người dân mà còn gây bất ổn xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước.

Mới đây, Nghị Quyết 18/2022 của Ban chấp hành Trung ương (về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao) đã đưa ra nội dung quan trọng là sẽ bỏ khung giá đất. Hiện nay, Luật Đất đai 2013 cũng đang trong quá trình được các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến để sửa đổi, trong đó có nội dung quan trọng vừa đề cập.

Người dân, doanh nghiệp và cả chính quyền các địa phương đang hy vọng, kỳ vọng nhiều vào sự đột phá về cơ chế, chính sách liên quan đến giá đất để gỡ được nút thắt về bồi thường bấy lâu nay. Việc thay đổi này của Luật Đất đai (sửa đổi sắp tới) chính là hướng đến sự bình đẳng, công bằng, văn minh và tạo điều kiện để phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm