Sửa Luật Đất đai: Vướng mắc khi bỏ khung giá đất

(PLO)- Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết việc bỏ khung giá đất là phù hợp với dự án thương mại nhưng sẽ gặp khó trong công tác bồi thường đối với dự án khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư.

Phát biểu khai mạc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH TP.HCM, nêu các quan điểm, mục tiêu khi xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại tờ trình của Chính phủ gửi QH và mời các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QUỲNH LINH

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QUỲNH LINH

Khó khăn trong công tác bồi thường

Tại hội thảo, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết ông mong dự thảo luật có thể chi tiết được các quy định, khi thông qua có thể triển khai được ngay, không cần chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Nêu quan điểm về việc bỏ khung giá đất, ông Phương cho rằng xem xét dưới góc độ các dự án phát triển thương mại thì việc bỏ khung giá đất là đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, đối với các dự án khác như dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, việc bỏ khung giá đất sẽ gây một số khó khăn nhất định, đặc biệt trong công tác bồi thường.

Thêm vào đó, đối với dự án có vốn đầu tư công, nếu không có khung giá đất sẽ rất khó trong công tác bồi thường, trong khi các dự án khác giải phóng mặt bằng chủ yếu thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) và thực hiện theo kế hoạch SDĐ.

Ngoài ra, ông Phương cũng nêu một số vướng mắc thực tế trong việc xử lý tranh chấp đất đai. Ông dẫn chứng trường hợp hai bên tranh chấp đất đai, UBND cấp xã hòa giải không thành thì chỉ có thể ra tòa. Tuy nhiên, thực tế hai bên không chịu ra tòa vì nhiều lý do, trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước phải ghi nhận là hết tranh chấp hay vẫn còn tranh chấp.

Nếu bên có nhà trên đất đề nghị cấp giấy chứng nhận thì sẽ gây khó cho cơ quan xét cấp giấy, khi phải gửi thông báo cho người từng có tranh chấp trước đó để xác nhận các bên có còn tranh chấp hay không với nhiều thủ tục rắc rối.

Do đó, theo ông Phương, để đảm bảo quyền lợi cho người dân thì cần có cơ chế rõ ràng để giải quyết vấn đề nêu trên.

Không nên quy định cứng phải có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khi đấu giá quyền SDĐ trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nhiều góp ý về đấu giá quyền sử dụng đất

Đại diện Sở KH&ĐT, ông Phạm Tuấn Anh đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo luật. Trong đó có quy định về đấu giá quyền SDĐ trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cụ thể, theo dự thảo, một trong những điều kiện phải đảm bảo khi đấu giá quyền SDĐ trong trường hợp trên là phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, điều này là chưa phù hợp với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định pháp luật về quy hoạch.

Ngoài ra, tại thời điểm thực hiện việc đấu giá quyền SDĐ chưa xác định được nhà đầu tư thực hiện dự án có SDĐ nên theo quy định tại khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 25/2020 của Chính phủ, chưa có cơ sở để lập quy hoạch 1/500 tại khu vực đầu tư dự án.

Từ đó, Sở KH&ĐT đề xuất không quy định cứng phải có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Thay vào đó, chỉ cần phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có).

Cũng liên quan đến việc đấu giá quyền SDĐ, đại diện Cục Thuế TP đề nghị bổ sung trường hợp cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền SDĐ trong trường hợp khu đất có một phần diện tích đất công (đất do Nhà nước quản lý) nằm xen kẽ trong đất dự án do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.

Khi đó, diện tích đất công được cho thuê sẽ không cần thông qua đấu giá.•

Các quận, huyện đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm

Các quận, huyện có tham gia góp ý tại hội thảo như quận 6, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Nhà Bè… đều đồng ý với đề xuất bỏ kế hoạch SDĐ hằng năm.

Đại diện quận Bình Thạnh cho hay thực tế ở TP.HCM, đến thời điểm cuối năm, khi rà soát kế hoạch SDĐ của năm trước thì hầu như đều là dự án chuyển tiếp, vì không kịp ban hành quyết định thu hồi đất thì không hoàn thành được kế hoạch SDĐ.

Còn theo đại diện huyện Nhà Bè, tại TP.HCM không có bất kỳ quận, huyện nào có thể thực hiện kế hoạch SDĐ vào niên hạn đầu năm; không có một dự án bồi thường nào có thể làm trong vòng ba năm từ khi đưa vào quy hoạch SDĐ.

Trong khi đó, theo dự thảo luật, diện tích đất ghi trong kế hoạch SDĐ cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích SDĐ mà sau ba năm, kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch SDĐ của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích SDĐ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch SDĐ phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch SDĐ.

Vì vậy, đại diện huyện Nhà Bè đồng ý với đề xuất bỏ luôn kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện. Trường hợp không bỏ thì nên có phương án nới lỏng thời gian để thực hiện kế hoạch SDĐ thay vì quy định ba năm như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm