Không thể nào đưa ra một giá đất thỏa mãn được mọi đối tượng

(PLO)- Giá đất có thể giải quyết được vấn đề đối với đối tượng này nhưng lại có thể ảnh hưởng tới đối tượng khác và giải bài toán này phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhận định trên được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra tại cuộc họp báo trước Diễn đàn kinh tế- xã hội năm 2022.

DIễn đàn kinh tế- xã hội năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 18-9 tới đây.

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng nay (15-9), phóng viên đề nghị đánh giá việc sửa Luật Đất đai, nhất là bỏ khung giá đất để chuyển sang xác định biểu giá theo thị trường.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trả lời sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay dự thảo Luật Đất đai đã được Chính phủ gửi tới các cơ quan của Quốc hội. Ngày mai, 16-9, Thường trực Uỷ ban Kinh tế sẽ họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ về dự án Luật rất quan trọng này.

Theo ông Thanh, Nghị quyết của Hội nghị TƯ 5 khóa 13 đã đề cập đến vấn đề chính sách tài chính, giá đất. Theo đó, Nghị quyết đã đặt vấn đề bỏ khung giá đất, giao cho các địa phương ban hành bảng giá đất, với yêu cầu khách quan độc lập, bảo đảm sát giá thị trường.

Dù vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đánh giá việc xác định giá đất là vấn đề “rất khó” và giá đất tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội.

“Ví dụ, việc nâng bảng giá đất giúp người dân được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ cao hơn, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai sẽ giảm nhưng chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng do phải bồi thường nhiều hơn. Điều này khiến tiền thuê đất, sử dụng đất sẽ tăng lên” – ông Thanh phân tích và cho rằng giá đất có thể giải quyết được vấn đề đối với đối tượng này nhưng lại có thể ảnh hưởng tới đối tượng khác.

“Bài toán đưa ra bảng giá đất như thế nào là những vấn đề hết sức khoa học, thực tiễn cần phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều để xử lý” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Ngay cả việc bỏ khung giá đất, ông Thanh chỉ rõ giữa hai địa phương giáp ranh, việc xử lý vấn đề như thế nào cũng là vấn đề khó. “Trước có khung của Chính phủ để hai tỉnh liền kề đưa ra những bảng giá sát nhau, bây giờ trao thẩm quyền cho HĐND các địa phương thì giá lại vênh nhau. Trên cùng một con đường nhưng giá đất hai tỉnh khác nhau cũng gây ra tranh cãi” – ông Thanh dẫn chứng.

Ghi nhận các ý kiến góp ý, ông Thanh khẳng định: “Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa chứ không thể nào đưa ra một giá đất thỏa mãn được mọi đối tượng”.

Dự báo về thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai, ông Thanh nhận định thị trường ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây sẽ thế nào. “Đây là vấn đề phức tạp nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường bất động sản” - ông Thanh nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Thanh, mục tiêu sửa luật để xử lý vấn đề của thị trường bất động sản, xử lý hài hoà lợi ích các đối tượng tham gia thị trường bất động sản, đất đai. Tuy nhiên, hiện giờ việc sửa đổi mới ở giai đoạn bước đầu. Dự luật dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu, tới đầu năm sau tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi để lắng nghe các thông tin phản hồi, phục vụ việc hoàn thiện về tài chính đất đai, giá đất - hai vấn đề vốn gây ra nhiều khiếu kiện.

Diễn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

Diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.

Diễn đàn năm 2022 dự kiến sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội....

Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy, tăng trưởng, phát triển bền vững.

Các đại biểu sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Đồng thời, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Các đại biểu sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển KTXH và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm