Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 có những nội dung gì đáng chú ý?

Chiều 2-12, Ban Tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" họp báo giới thiệu về diễn đàn. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Nguyễn Minh Sơn cho hay thời gian qua, QH, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư. Nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội…

Tăng trưởng GDP Quý III-2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Những điều này đã gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn năm năm 2021-2025.

Ban Tổ chức trình bày về nội dung diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: QH

Trong khi đó, Nghị quyết 32/2021 của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã xác định tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu Tốc độ tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Nghị quyết số 34/2021 của QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã xác định mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% GDP.

Để thực hiện thành công các nghị quyết của QH thì cần có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Đó là lý do cần phải có Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Diễn đàn sẽ là nơi để cung cấp thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện thực trạng khách quan của nền kinh tế Việt Nam 2020-2021, các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả. Đồng thời, diễn đàn giúp làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của COVID-19; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh, các chính sách ứng phó với COVID-19 trên thế giới và bài học cho Việt Nam.

Diễn đàn cũng gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn…

Diễn đàn được tổ chức vào ngày 5-12 tới đây. Ban Tổ chức đặt hàng các tổ chức quốc tế, các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia cả trong nước và quốc tế viết bài tham luận cho Diễn đàn; đồng thời lựa chọn những nội dung trọng tâm trình bày tại các phiên.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc, tham dự Tọa đàm cấp cao và phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn.

Để góp phần tuyên truyền hiệu quả, Ban Tổ chức đã thiết lập website chính thức của Diễn đàn với tên miền www.diendankinhte.quochoi.vn

 7 mục tiêu, kết quả gắn với “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”

+ Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Lan tỏa, cũng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cũng các nhà đầu tư.

+ Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ theo lộ trình hai năm trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

+ Bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô nền kinh tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm.

+ Điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư…

+ Nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tính chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; duy trì ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

+ Phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.

+ Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm