Quốc hội đồng hành với Chính phủ, tận tâm với đất nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đúc kết lại tinh thần trên trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV vừa diễn ra ngày hôm qua 20-10, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã có các tác động tiêu cực, chưa từng có đối với nền kinh tế đất nước.

Phát huy ý chí kiên cường, bền bỉ vượt qua khó khăn 

“Qua gian nan, thử thách, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, đất nước ta lại càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Truyền thống quý báu này của dân tộc đã hội tụ, kết tinh ở đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ - tuyến đầu phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân và ổn định xã hội cũng như tấm lòng thơm thảo của nhân dân trong chia sẻ, đùm bọc đồng bào của mình trên chặng đường về quê hay tin tưởng vào Chính phủ để đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 20-10 khẳng định truyền thống của dân tộc tiếp tục được phát huy. Ảnh: QH

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây cho biết hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu. Tất cả đã xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an hồi tháng 9-2021 cho biết, ngành Công an đã điều động 100.000 lượt chiến sỹ tham gia các trận tuyến ở các tỉnh phía Nam, gần 10.000 cán bộ, chiến sỹ, y bác sĩ của ngành vào Nam chống dịch. Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) cho biết hơn 120.000 chiến sỹ, dân quân tự vệ tham gia chống dịch, chưa kể tổ chức 1.900 chốt kiểm soát nhập cảnh trái phép dọc biên giới.

Hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế của tuyến đầu trong nhiều tháng để lại con thơ, cha mẹ già ở quê nhà để vào các điểm nóng chống dịch. Nhiều người trong số đó khi người thân qua đời đã không thể về để chịu tang, lại sinh hoạt, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt thòi tới sức khoẻ, tinh thần.

Trong số đó, đáng quý có các cán bộ, y bác sĩ trong số 14 Đại biểu Quốc hội làm việc trong ngành y cũng đã xin nghỉ Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV hồi tháng 7 để ở lại địa phương hoặc lên đường vào phía Nam hỗ trợ công tác chống dịch như bác sĩ Nguyễn Tri Thức, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu…

Cộng đồng trách nhiệm với Chính phủ

Trước những khó khăn và nỗ lực đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ: “Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà Nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước”.

Thấu hiểu nỗi vất vả và mất mát mà nhân dân gánh chịu, bằng tinh thần cộng đồng trách nhiệm với Chính phủ, các cơ quan liên quan và quy định của pháp luật, Quốc hội đã tích cực, chủ động vào cuộc, cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, quyết định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với tổng số tiền gần 100.000 tỉ đồng.

Cụ thể, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung làm việc ngày đêm, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh nhạy, kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết rất quan trọng (Nghị quyết 268/2021/UBTVQH15), cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội chào mừng khách mời đến dự khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Không chỉ vậy, Quốc hội cũng quyết định phân bổ nhiều nguồn lực để bổ sung cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương số tiền 14.620 tỷ đồng thực hiện công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết 406/2021/UBTVQH15 về một số giải pháp miễn, giảm thuế (khoảng 21,3 nghìn tỉ đồng) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; cho phép Chính phủ chuyển nguồn 1.237 tỉ đồng kinh phí sự nghiệp y tế còn lại của năm 2020 cho mua vaccine năm 2021.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, với Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (khoảng 38.000 tỉ đồng), Quốc hội đã quyết định phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động chịu ảnh hưởng để góp phần ổn định đời sống nhân dân.

 

Một Quốc hội hành động, cống hiến

Trong Kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội sẽ xem xét phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, trong đó có khoảng 10.000 tỉ đồng chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch và dự kiến cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để phòng, chống dịch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để theo dõi và giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3 tháng kể từ khi Quốc hội Khoá XV ra mắt quốc dân đồng bào, cũng là quãng thời gian cam go đối với đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rằng: “Bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Tại Kỳ họp thứ 2 này, bên cạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của quốc tế, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian nghị trình để thảo luận, đánh giá đúng tình hình, dự báo chính xác xu hướng của dịch bệnh và kinh tế thế giới, hiến kế cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có mục tiêu, theo các giai đoạn khác nhau để tạo điều kiện giúp Chính phủ vững tin thực hiện nhiệm vụ của mình.

Cử tri, nhân dân và chính quyền đang đặt ra kỳ vọng rất lớn đối với Quốc hội để mong có quyết sách đặc biệt, đột phá trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm