Cần làm rõ kết quả sử dụng ngân sách mua sắm vật tư, trang thiết bị chống dịch

Chiều 20-10, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (Ủy ban) Nguyễn Phú Cường sau đó trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo ông Cường, năm 2021 COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, nhiều chính sách đã được ban hành kịp thời. Tuy vậy, tình hình tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2021 nổi lên một số vấn đề cần lưu ý.

Chẳng hạn dù tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, nhưng nhiều khoản thu quan trọng không đạt được hoặc vượt thấp hơn dự toán. Cơ cấu vì vậy chưa vững chắc.

Thu ngân sách trung ương hụt thu khoảng 28.000-29.000 tỉ ảnh hưởng tới triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Về chi NSNN năm 2021, đã có 30.850 tỉ cho phòng, chống dịch COVID-19. Ủy ban thấy cần phải đánh giá toàn diện các chính sách đã được thực hiện. Cạnh đó, cần báo cáo cụ thể về số vaccine được viện trợ, hỗ trợ, dự kiến nhu cầu vaccine nếu dịch kéo dài, công khai Quỹ vaccine và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine trong nước.

Ủy ban cũng đề nghị phải làm rõ tổng nguồn lực, kết quả sử dụng NSNN khi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống COVID-19 và khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.

Ủy ban cũng đề nghị đánh giá việc thực hiện nghị quyết 30/2021 của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết về bổ sung dự phòng ngân sách cho chống dịch, hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động. Hiện đang đôn đốc sớm trình một số giải pháp miễn, giảm thuế.

Cảnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2022, trong đó có khoảng 10.000 tỉ chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch và dự kiến cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để phòng, chống dịch.

Báo cáo thẩm tra nhất trí với Chính phủ cho vượt chi thường xuyên so với dự toán là 2,2%, đồng thời lưu ý thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Phương án bội chi, nợ công, nghãi vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ cũng được nhất trí.

Đối với dự toán NSNN năm 2022, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có nhiều giải pháp để cân đối ngân sách vững chắc, đồng thời siết lại chi ngân sách về nguyên tắc, cơ cấu, cắt giảm chi thường xuyên đối với những khoản, nhiệm vụ không cần thiết.

Chi đầu tư phải  tập trung giải ngân vốn đầu tư công, chi trả nợ phải ưu tiên bố trí đủ chi trả nợ lãi theo đúng hạn cam kết để bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế

Ủy ban cũng nhất trí về đề xuất bội chi NSNN mà Chính phủ trình và đề nghị nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối gói kích thích kinh tế quy mô lớn.

Phương án phân bổ ngân sách trung ương được Ủy ban lưu ý về cơ cấu, cắt giảm chi thường xuyên, chi đầu tư hợp lý, chú trọng vào các dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với kế hoạch tài chính – ngân sách ba năm 2022-2024, Ủy ban nói kế hoạch này dựa trên kịch bản tăng trưởng khá cao. Tỷ lệ điều tiết ngân sách nếu dựa trên nền NSNN năm 2022 là chưa đủ căn cứ vì năm 2023 sẽ điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết của thời kỳ ổn định mới theo quy định của Luật NSNN.

Các kiến nghị của Chính phủ về điều hành NSNN 2021, dự toán NSNN 2022, cũng được Ủy ban nhất trí.

 

Mới giải thể, dừng hoạt động được 4 quỹ ngoài ngân sách

Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chính phủ mới giải thể, dừng hoạt động được 4 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là chậm, chưa tổng thể.

Số lượng quỹ còn khá lớn; một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động,... Việc duy trì nhiều Quỹ trùng lặp về nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN là chưa bảo đảm quy định của Nghị quyết số 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm