Sáng 26-8, kỳ họp thứ 19 - kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM khóa VIII đã thảo luận và thông qua bốn tờ trình của UBND TP. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến tờ trình về việc xét thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất; dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn TP.HCM.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cũng cho biết có ba dự án tại huyện Cần Giờ với tổng diện tích là 1 ha chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, gồm: Dự án Trường THCS An Thới Đông với diện tích 0,43 ha và trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Thạnh An với diện tích 0,25 ha, đều nằm trong ranh rừng phòng hộ nhưng hiện trạng không có rừng. Riêng dự án Trạm kiểm lâm An Thới Đông diện tích 500 m2 đang có rừng. Dự án được các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng giải trình làm rõ.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM sau khi thẩm tra đã đề nghị đưa dự án Trạm kiểm lâm ra khỏi danh mục các dự án cần thu hồi đất. “Nếu chúng ta xây trụ sở làm việc ở nơi đang có rừng thì tác hại sẽ ra sao?” - bà Tâm đặt vấn đề.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP, cho biết: Diện tích 500 m2 để xây trụ sở là không lớn. Sở đã trình UBND TP để trồng lại 500 m2 rừng ở xã Tam Thôn Hiệp. Xây dựng trạm kiểm lâm là để bảo vệ 7.000 ha rừng phòng hộ. “Trạm kiểm lâm bảo vệ rừng thì dứt khoát phải nằm trong rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, ngăn ngừa chặt phá rừng. Nếu chúng ta xây dựng ở một địa điểm đất trống khác không nằm trong 7.000 ha này thì cũng không nên. Chúng ta bỏ ra 500 m2 để bảo vệ 7.000 ha rừng/10.000 cây thì tôi nghĩ rằng các đại biểu chia sẻ” - ông Trực nói.
Tuy vậy, bà Quyết Tâm đề nghị Sở NN&PTNT TP và huyện Cần Giờ tìm địa điểm khác xây dựng trụ sở, để không phải chặt bất cứ một cây rừng nào, vì như thế vẫn hơn là chặt đi rồi trồng lại.
Tại phiên họp, sau khi nghe giải trình của các sở, ngành các đại biểu đã thông qua tờ trình về việc xét thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất; dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn TP (dự án xây trụ sở trạm kiểm lâm đã bỏ ra). Ba tờ trình khác của UBND TP cũng được các đại biểu thông qua gồm: tờ trình về quy định cụ thể số lượng, chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân; tờ trình về cho ý kiến và quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công và tờ trình về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2015- 2016 trên địa bàn TP.HCM (thực hiện theo Nghị định 49 của Chính phủ).
Tiếp tục thu hồi đất ở hàng loạt dự án Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết có 298 dự án với tổng diện tích là 1.602 ha cần thu hồi trong năm 2015. Trong đó có 154 dự án đã có trong quyết định giao vốn thực hiện, 144 dự án đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư hoặc chưa bố trí vốn nhưng do tính cấp bách cần phải thực hiện các thủ tục thu hồi đất. Trong những dự án cần gấp rút thu hồi đất có rất nhiều dự án mà TP đang thực hiện. Cụ thể, dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương) cần thu hồi thêm 10,75 ha đất tại các quận 1, 3, 10, 12 và quận Tân Bình. Nhà ga trung tâm Bến Thành (công trình ngầm) cần thu hồi thêm 4 ha đất. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt (đoạn Lã Xuân Oai đến ngã ba Mỹ Thành, quận 9) cần thu hồi 9,18 ha đất. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ Bến xe Miền Đông mới đến nút giao thông xa lộ Hà Nội) cần thu hồi 5,4 ha đất. Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạnh Nước Lên (quận 12) cần thu hồi là 13,77 ha. Dự án hệ thống đê bao ngăn lũ khu B ở Bình Chánh cần thu hồi 65,14 ha đất. |