Không thuyết phục được Nga, LHQ lại hoãn bỏ phiếu Syria

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 23-2 lại lần nữa phải hoãn bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết yêu cầu 30 ngày ngừng bắn trên toàn Syria vì không thể thuyết phục được Nga. Nga là thành viên có quyền phủ quyết tại HĐBA.

Phiên bỏ phiếu tiếp theo được lên lịch vào ngày 24-2 (giờ Mỹ), Reuters dẫn thông tin từ Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour Ayyad Al-Otaibi. Kuwait là nước đang giữ quyền chủ tịch HĐBA.

Dự thảo nghị quyết do Kuwait và Thụy Điển soạn thảo nhằm chấm dứt đợt không kích nguy hiểm ở Đông Ghouta mà quân chính phủ Syria tiến hành từ tối 18-2, tạo điều kiện cứu trợ khẩn cấp và sơ tán, cứu chữa người bị thương. Nghị quyết sẽ được thực hiện trong vòng 72 giờ sau khi được thông qua.

Đây đã là lần hoãn thứ hai. Việc bỏ phiếu lẽ ra đã diễn ra từ phiên họp ngày 22-2 nhưng đã không thể thực hiện sau khi Nga tuyên bố sẽ không tán thành. Không đồng ý dự thảo do Kuwait và Thụy Điển soạn, Nga đề xuất thêm một số sửa đổi. Chưa rõ cụ thể đề xuất của Nga. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga muốn có sự bảo đảm rằng phe nổi dậy sẽ không bắn vào các khu dân cư ở Damascus.

Đại sứ Kuwait Al-Otaibi cho biết các cuộc tranh luận tập trung vào một số từ ngữ chỉ trong một đoạn dự thảo nghị quyết. Và quyết định hoãn bỏ phiếu trong ngày 23-2 đến vào phút cuối khi các bên không thể thống nhất được nội dung ban đầu và nội dung sửa đổi từ phía Nga.

Mảnh vỡ tên lửa ở thị trấn Douma, Đông Ghouta (Syria) ngày 23-2. Ảnh: REUTERS

Nói với báo chí, Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog cho biết: “Chúng tôi không thể xóa hoàn toàn cách biệt. Chúng tôi sẽ không từ bỏ... Tôi hy vọng chúng tôi sẽ thông qua một nghị quyết đầy sức mạnh, đầy ý nghĩa, đầy ảnh hưởng vào ngày mai”.

Trong khi đó, trên Twitter Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích Nga nặng nề sau quyết định hoãn bỏ phiếu: “Không thể tin được Nga lại cản trở phiên bỏ phiếu về một lệnh ngừng bắn cho phép hoạt động nhân đạo ở Syria”.

Pháp và Đức đã có động thái tăng áp lực lên Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ nghị quyết. Trong suốt bảy năm nội chiến Syria, Nga đã nhiều lần ngăn chặn HĐBA ra nghị quyết có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của chính phủ Syria.

Tính tới hôm nay (24-2), đợt không kích Đông Ghouta - một trong những cứ điểm cuối cùng và quan trọng của phe nổi dậy vì nằm ở ngoại ô thủ đô Damascus - đã bước sang ngày thứ bảy. Ít nhất 462 người đã chết trong sáu ngày hứng chịu không kích, trong đó có 99 trẻ em, hàng ngàn người bị thương, theo tổ chức Quan sát nhân quyền Syria. Đây là đợt thương vong dân thường lớn nhất trong bảy năm nội chiến Syria kể từ khi chính phủ mở đợt tấn công chiếm TP Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát năm 2016.

Cứu hộ một phụ nữ bị hôn mê từ dưới hầm trú ẩn ở thị trấn Douma, Đông Ghouta (Syria) ngày 22-2. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Syria đưa tin trong ngày 23-2 phe nổi dậy vẫn tiếp tục nã pháo vào Damascus làm một người chết và 58 người bị thương.

Reuters trích một lá thư phe nổi dậy ở Đông Ghouta viết gửi HĐBA cho biết sẽ không sơ tán các tay súng và người thân của họ cũng như những dân thường khác, tương tự những gì đã xảy ra khi quân chính phủ Syria tấn công chiếm lại Aleppo.

“Chúng tôi thẳng thừng từ chối mọi đề xuất bao gồm buộc người dân rời bỏ nhà cửa và đưa họ đi nơi khác” - theo thư phe nổi dậy viết gửi HĐBA.

Dân số Đông Ghouta khoảng 400.000 người nhưng sống trải dài ở một khu vực rộng lớn hơn nhiều so với các địa phương mà chính phủ Syria đã chiếm lại. Cuối ngày 22-2, chính phủ Syria đã cho trực thăng thả tờ rơi kêu gọi người dân rời Đông Ghouta, cung cấp bản đồ lộ trình để họ rời đi an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới