. Phóng viên: Thưa ông, để phản ứng kịp trong những trường hợp lái xe manh động như vậy, PC67 Công an TP.HCM thường xử lý thế nào?
Ngoài ra, lực lượng CSGT chúng tôi khi tuần tra vẫn hay áp dụng phương án là đứng gần các trụ điện, cây xanh trên lề đường. Nếu gặp các đối tượng manh động lao xe nhanh thì lập tức tránh ngay lên lề đường - nơi có các vật cản để đảm bảo an toàn. Trong những trường hợp phương tiện vi phạm vậy thì căn cứ vào hình ảnh của camera sẽ phạt nguội sau cũng không sao…
. Thưa ông, dư luận cho rằng CSGT đứng gần các trụ điện hay cây xanh chẳng khác nào “anh hùng núp” “rình” bắt lỗi người vi phạm?
+ Tôi có nghe chuyện này, người dân cho rằng CSGT cố tình núp để xử phạt. Nhưng vấn đề không phải vậy, quan điểm của chúng tôi là không phải chăm chăm vào xử phạt mà nhiệm vụ chính là đảm bảo hạn chế các trường hợp vi phạm giao thông. Có trường hợp chúng tôi lưu ý, nhắc nhở chứ không phạt. Còn việc “anh hùng núp” thì tôi đã chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ đứng ở đường cong, đứng trong bóng tối hay giơ gậy bất ngờ để xử lý vi phạm.
Việc đứng gần cột điện hay dưới gốc cây cũng là cách để CSGT xử lý cho an toàn đối với những tình huống mà đối tượng manh động lao xe về phía CSGT.
. Ông có đề xuất giải pháp nào trước tình trạng có nhiều vụ tấn công CSGT diễn ra?
+ Nói thật, lực lương CSGT phải chịu nhiều áp lực lắm. Ban ngày chống ùn tắc giao thông, ban đêm lại phải tuần tra, kiểm soát nhiều đối tượng nghiện hút lái xe với tốc độ cao, đua xe, hoặc tình trạng xe quá tải… Trong những trường hợp xử lý không bình tĩnh, cán bộ, chiến sĩ dễ bị người vi phạm khiêu khích rồi có lời qua tiếng lại không phù hợp.
Tôi cũng kiến nghị cần phải có cơ chế bảo vệ cho lực lượng CSGT. Chẳng hạn như trang bị vũ khí để CSGT có biện pháp bảo vệ chính đáng cho người đi đường cũng như bản thân. Bởi có những đối tượng cướp giật nguy hiểm lao xe với tốc độ cao, sẵn sàng uy hiếp tính mạng của nhiều người lưu thông thì CSGT phải có vũ khí để trấn áp ngay.
. Ông đánh giá thế nào về việc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT TP?
+ Tôi cũng nhìn nhận cách ứng xử của một số cán bộ, chiến sĩ còn yếu, cần phải rèn luyện, tập huấn nhiều hơn nữa trong cư xử với người vi phạm giao thông. Tôi đã chuyển công tác khác đối với những cán bộ vi phạm trong việc ứng xử không chuẩn mực với người vi phạm. Ngoài ra, PC67 cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ. Cán bộ nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
PC67 cũng thường xuyên tập huấn chuyên đề về ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Tôi cũng lưu ý với cán bộ, chiến sĩ, đối với các đối tượng manh động, có tính chất khiêu khích, côn đồ thì càng phải ứng xử thật bình tĩnh, bản lĩnh, giữ hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân.
. Xin cám ơn ông.