‘Kéo lê CSGT là hành vi coi thường pháp luật’

LTS: Vụ CSGT bị kéo lê 20 m khiến dư luận bức xúc, yêu cầu phải xử lý nghiêm tài xế xe tải. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) và ý kiến của nhiều bạn đọc.
Trong vòng năm năm trở lại đây, có khoảng 200 trường hợp chống người thi hành công vụ nói chung và CSGT nói riêng, trong đó đã có chiến sĩ hy sinh và hàng trăm chiến sĩ bị thương. Đây là tình trạng xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của những người tham gia giao thông, sự xem thường pháp luật khi không chấp hành hiệu lệnh.

Cùng thời gian ấy, với mọi nỗ lực, tình hình TNGT đã giảm đáng kể, nhất là năm 2014 và 2015, số người chết vì TNGT là dưới 10.000 người. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều lực lượng nhưng công lớn thuộc về lực lượng CSGT.

Tuy nhiên, tình trạng các chiến sĩ thương vong là rất lớn, việc người tham gia giao thông vi phạm luật diễn ra khá phổ biến. Nhiều trường hợp không chấp hành, chống đối CSGT, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng thực thi pháp luật. Vụ việc của Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt - Đội CSGT số 5, Hà Nội là một ví dụ.

Mặt khác, việc chống người thi hành công vụ ngoài khía cạnh pháp luật đằng sau đó còn là câu chuyện tình người. Chúng tôi là người của Nhà nước thực thi công vụ, đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt giao thông cho nhân dân. Hành động của trường hợp trên vừa thiếu tôn trọng pháp luật vừa thiếu cả tình người. Đây là hành vi không thể chấp nhận được.

Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật, đề nghị nhân dân và người tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật, hiệu lệnh của CSGT, trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT để các chiến sĩ vững tâm làm nhiệm vụ. Khi có đối tượng chống đối thì xử lý một cách kiên quyết.

Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt bị tài xế Chuyên tông và kéo lê 20 m trên đường. Ảnh: OTOFUN

Ngoài ra, những trường hợp CSGT ra hiệu lệnh dừng mà tài xế vẫn lái xe bỏ chạy một cách điên cuồng, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu có đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị phải xem xét về tội giết người, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Các hành vi chống đối người thi hành công vụ đều phải xem xét trách nhiệm hình sự. Hiện nhiều địa phương chỉ xử lý hành chính hoặc xử lý thiếu kiên quyết về hành vi này, dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật.

Đồng thời chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường và áp dụng hình thức phạt nguội để nâng cao tính tự giác, ý thức của người tham gia giao thông, giảm nguy hiểm cho lực lượng CSGT.

Tạm giữ hình sự tài xế kéo lê CSGT 20 m

Ngày 13-12, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết đang tạm giữ hình sự tài xế Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi, trú tại Văn Giang, Hưng Yên) để điều tra làm rõ hành vi tông và kéo lê CSGT 20 m.

Chuyên được xác định là tài xế điều khiển xe tải biển số 89L-0211 đâm vào Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt (chiến sĩ Đội CSGT số 5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP Hà Nội) sáng 12-12 khiến anh bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Sau khi đầu thú, tài xế Chuyên khai khi thấy CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra, Chuyên hoảng sợ nên bỏ chạy nhằm tránh cảnh sát kiểm tra. Lúc này CSGT buộc phải bám vào đầu xe. Chuyên biết cán bộ CSGT rơi xuống đường và bị cuốn vào gầm nhưng do quá hoảng sợ nên anh ta không dám dừng xe mà tiếp tục bỏ chạy. Sau khi rời hiện trường, Chuyên điều khiển xe về hướng Văn Giang trả xe cho chủ rồi đi về. Chuyên nói thời điểm gây ra sự việc, chiếc xe tải do Chuyên điều khiển không chở hàng hóa, vật dụng gì.

Về phía Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, chiều 13-12, đại diện khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gãy ba xương sườn bên trái và bị chấn thương phần mềm.

“Chúng tôi đã tiến hành mổ dẫn lưu màng phổi và nối xương sườn. Hiện tại bệnh nhân đang nằm trong phòng vô trùng, sức khỏe đang dần ổn định và được các bác sĩ tích cực theo dõi và điều trị” - vị này cho hay.

Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cùng lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP Hà Nội đã đến thăm hỏi và động viên Thượng úy Đạt.

Trước đó, khoảng 9 giờ 30 sáng 12-12, tại ngã ba Sài Đồng - quốc lộ 5 (Long Biên, Hà Nội), Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt phát hiện ô tô tải 89L-0211 do tài xế Đoàn Văn Chuyên điều khiển va chạm giao thông với xe Toyota Vios nên ra hiệu lệnh dừng xe giải quyết. Tài xế xe tải khi thấy cảnh sát chạy đến đã rồ ga bỏ chạy, lao thẳng vào Thượng úy Đạt, kéo lê gần 20 m dưới gầm. Đến trưa cùng ngày, tài xế Chuyên đã ra Công an phường Phúc Đồng, quận Long Biên trình diện.

TUYẾN PHAN

ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM:

Đây là hành vi giết người đang thi hành công vụ

‘Kéo lê CSGT là hành vi coi thường pháp luật’ ảnh 3
 
Hành vi tài xế điều khiển xe tải (nguồn nguy hiểm cao độ) tông thẳng vào người khác là hành vi giết người. Người lái xe có đầy đủ nhận thức rằng tông xe tải vào người khác thì hậu quả chết người tất yếu sẽ xảy ra. Lỗi của tài xế xe tải trong trường hợp này là lỗi cố ý trực tiếp, tức là thấy trước hậu quả và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Do vậy người lái xe phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.

Nạn nhân ở đây là chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ. Hành vi tông xe tải vào CSGT, kéo lê rồi bỏ chạy không còn là hành vi chống người thi hành công vụ nữa, mà lúc này hành vi trên được chuyển thành tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS: Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Người bị xử lý hình sự theo quy định tại điều luật này phải chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, quận Cầu Giấy, Hà Nội:

CSGT đừng lao ra trước đầu xe

‘Kéo lê CSGT là hành vi coi thường pháp luật’ ảnh 4
 
Mình rất ủng hộ việc xử phạt thật nặng những tài xế vi phạm như vậy, nó vừa răn đe, nâng cao ý thức cho bản thân tài xế, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người.

Tuy nhiên, dưới góc độ người lái xe, mình cũng thấy có vài vấn đề cần lưu ý. Khi muốn ra hiệu dừng xe thì CSGT không nên đột ngột lao ra trước đầu xe bởi như vậy tài xế không xử lý kịp, dễ dẫn đến tai nạn. Khi đã gây tai nạn, nhiều tài xế bị chấn động tâm lý và hoảng sợ, không làm chủ được bản thân. Đặc biệt, khi thấy CSGT ra lệnh, có thể họ sẽ mất kiểm soát như rồ ga bỏ chạy, đạp nhầm chân ga… Có thể khi bình thường họ không bao giờ nghĩ mình làm vậy nhưng đến lúc hốt hoảng thì không kịp cân nhắc.

Hơn thế, các chiến sĩ CSGT cũng cần biết cách bảo vệ tính mạng của mình. Xe đang lưu thông với tốc độ 50-60 km/giờ, cùng với quán tính (nhất là xe tải) thì không thể dừng ngay khi có hiệu lệnh được. Trong tình huống đó, nếu CSGT đột ngột lao ra, rất có thể sẽ bị lôi đi hoặc hất lên nóc capô…

__________________________________

NGUYỄN THỊ CHUNG, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội:

‘Kéo lê CSGT là hành vi coi thường pháp luật’ ảnh 5
 
Nhìn bức ảnh quần áo tả tơi, tất chân rách nát... của anh CSGT có ai không tức giận. Đây là hành vi thô bạo, mất đạo đức con người, không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị phải xử thật nặng hành vi của tài xế này để răn đe những tài xế khác.

Anh NGUYỄN VĨNH ĐẠT, giảng viên ĐH Việt Đức, TP.HCM:

‘Kéo lê CSGT là hành vi coi thường pháp luật’ ảnh 6
 
Hành vi của người lái xe rõ ràng coi thường mạng sống con người nên phải bị nghiêm trị. Qua đây tôi nghĩ cần phải có các khóa học nâng cao nghiệp vụ cho CSGT để xử lý an toàn hơn trong các trường hợp bị người tham gia giao thông chống đối.

NGUYỄN THỊ HOA, ĐH Kinh tế Đà Nẵng:

‘Kéo lê CSGT là hành vi coi thường pháp luật’ ảnh 7
 
Vi phạm luật giao thông thì phải dừng lại chớ sao còn đâm thẳng vào người ta rồi kéo lê cả đoạn đường dài như vậy. Đây là hành vi mất nhân tính, coi thường pháp luật nên cần nghiêm trị. Mong anh CSGT chóng bình phục.

NGUYỄN TRÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm