‘Không yên lòng khi nhiều người có công chưa được công nhận’

Sáng 22-7, tại tỉnh Vĩnh Long, nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2019), Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ.

Ba năm xem xét 6.000 hồ sơ tồn đọng

Tại buổi lễ, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH bày tỏ nỗi day dứt khi một bộ phận gia đình người có công còn gặp khó khăn dù chiến tranh đã lùi xa.

“Nhiều thương binh hằng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhiều gia đình liệt sĩ còn đau đáu vì chưa tìm được hài cốt của con em mình đã hy sinh. Nhiều liệt sĩ còn chưa xác định được danh tính và chưa được quy tập về yên nghỉ với đồng đội, với quê hương đất mẹ. Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trăn trở.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, qua ba năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét thêm 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh - những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu lý đạt tình cho đối tượng.

“Kết quả hôm nay là hành động thiết thực, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Diệu ở thành phố Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN

Nỗ lực bền bỉ với công tác người có công

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và thân nhân người có công với nước: Hệ thống chính sách về người có công được ban hành, sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và được đảm bảo thực hiện đồng bộ; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trong cả nước.

Qua đó phần nào đã xoa dịu những nỗi đau, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần “hiếu nghĩa, bác ái” của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong ba năm qua; tiếp tục làm công tác này trong thời gian sắp tới bằng cách xác nhận đến đâu công bố cho thân nhân gia đình biết đến đó, không để sự chờ đợi của gia đình kéo dài thêm. Việc công bố chung sẽ được tổ chức lễ long trọng trong các ngày lễ lớn của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và hệ thống chính sách đối với người có công để góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước nhằm bù đắp được phần nào những đau thương, mất mát của người có công và thân nhân người có công; “phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.

Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ trong dịp 27-7.

Trong số 468 liệt sĩ được công nhận trong dịp 27-7, có 144 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Người hy sinh cách đây lâu nhất là cụ Nguyễn Văn Trượng hy sinh năm 1940 trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn cũng đã tới thăm và tặng quà gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Diệu, sinh năm 1932; gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh, thương binh 1/4; bà Võ Ngọc Thoại, sinh năm 1950, thương binh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới