Đó là đề xuất của TS Đinh Thị Tứ.
Tại buổi tọa đàm "Bạo hành trẻ em-Vấn nạn và giải pháp" giữa UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM phối hợp với Trường Mầm non Trúc Việt tổ chức ngày 17-12 chuyên gia tâm lý-TS Đinh Thị Tứ, nguyên Trưởng khoa Giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nguyên nhân bạo hành trẻ em là do giáo viên, bảo mẫu không hiểu tâm lý trẻ.
"Phần lớn những vụ bạo hành gần đây là "tội ác" do giáo viên, bảo mẫu chưa yêu trẻ, không yêu nghề. Chỉ có những người không yêu trẻ em mới có hành động bạo hành thân thể và kể cả bạo hành tâm lý".
Chuyên gia tâm lý-TS Đinh Thị Tứ: "Chỉ có những người không yêu trẻ mới có hành động bạo hành trẻ em. Họ bạo hành kể cả thể xác và tâm lý". Ảnh: NT
TS Tứ cũng cho rằng một trong những nguyên nhân bạo hành phần lớn là trong khâu tuyển dụng. Một phần là thiếu giáo viên mầm non nên nhiều cơ sở tư nhân, bảo mẫu không qua lớp đào tạo thì làm sao yêu trẻ nên mới dẫn đến bạo hành. Bên cạnh đó là thiếu sự giám sát của các cấp phường, xã.
Tại buổi tọa đàm, hơn 400 giáo viên, bảo mẫu của ba trường công lập, 11 trường tư thục và 53 nhóm trẻ trên địa bàn phường trao đổi sôi nổi. Họ lắng nghe những lời tâm huyết, chia sẻ nghề từ chuyên gia-TS Đinh Thị Tứ. Ảnh: AN - NT
Và để có giải pháp vấn nạn bạo hành trẻ em như thời gian vừa qua, TS Đinh Thị Tứ đề xuất: "Sinh viên ngành mầm non ngay năm học thứ hai cần thực tế tại các cơ sở mầm non để cùng ăn, cùng làm, cùng dạy trẻ. Từ đó mới xác định có "chịu đựng" yêu nghề, yêu trẻ thì tiếp tục học. Nếu không yêu trẻ thì nên chuyển sang học nghề khác để đỡ kinh phí cho gia đình và tổn thất xã hội. Khi tốt nghiệp cần có thời gian thử thách và cấp chứng chỉ hành nghề lúc đó mới đi dạy trẻ".
Luật sư Ngô Minh Trực, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia TP.HCM, cũng giới thiệu những luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ chăm sóc trẻ em. Ảnh: AN