Khu đô thị tại ga đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận rộng từ 250-300 ha

(PLO)- Dự án đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận dài 156,14km, có hai nhà ga, một ga tiềm năng và bốn trạm bảo dưỡng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo UBND tỉnh về phương án hướng tuyến, nhà ga và trạm bảo dưỡng của dự án đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa bàn tỉnh.

Theo đó, năm 2018 UBND tỉnh thống nhất với Bộ GTVT về phương án hướng tuyến và nhà ga đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

đường sắt tốc độ cao
Dự án đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận dài hơn 156 km.

Đề xuất ga tiềm năng thành ga chính thức

Cụ thể, phương án tuyến qua tỉnh dài 156,14km từ Km1292+660 đến Km1448+800 có hai nhà ga (ga Phan Rí, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình và ga Mương Mán, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam); bốn trạm bảo dưỡng gồm trạm Phan Rí xã Phan Hòa huyện Bắc Bình; Trạm Hàm Thuận Bắc xã Hồng Liêm; Trạm Mương Mán xã Mương Mán và Trạm Hàm Thuận Nam tại xã Tân Lập.

Ngoài ra kiến nghị bổ sung thêm 1 ga tại xã Sông Phan và nghiên cứu các giải pháp xử lý kết nối giao cắt với hệ thống đường giao thông hiện hữu.

Năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến thống nhất.

Đồng thời tiếp tục đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh ga tiềm năng tại xã Sông Phan thành ga chính thức nhằm phục vụ nhu cầu đi lại khá lớn khu vực phía Nam tỉnh gồm các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh và thị xã La Gi.

Năm 2024, UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ GTVT, Bộ KHĐT bổ sung ga Sông Phan và dịch chuyển ga Mương Mán đến vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 4km về phía Bắc thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.

Ngày 16-10, Bộ GTVT có công văn gửi Bộ KHĐT, thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước và tổ chuyên gia thẩm định thống nhất dịch chuyển ga Mương Mán đến vị trí mới theo đề nghị của tỉnh.

Đối với đề nghị bổ sung ga Sông Phan, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

Về tiến độ triển khai dự án, đến nay Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với lộ trình điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TPHCM (ga Thủ Thiêm).

Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TPHCM.

Dự án đường sắt tốc độ cao xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD.

Tiến độ thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026, khởi công dự án cuối năm 2027 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.

Khu đô thị quanh quảng trường ga

Qua kiểm tra hồ sơ đoạn tuyến đi qua Bình Thuận sẽ đi chung hành lang phía Đông của đường bộ cao tốc và về vị trí ga Phan Rí.

Sau đó, tuyến vượt sông Lũy, hướng về phía Bắc dự án điện mặt trời Bình Tân 1 & 2. Tiếp tục đi về phía Tây núi Tà Zon và song song phía Đông đường sắt hiện tại về ga Phan Thiết (đặt cách ga Mương Mán hiện tại khoảng 4,4km) gần vị trí đường bộ kết nối từ đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào trung tâm TP Phan Thiết với tổng chiều dài tuyến 156,5km.

duong-sat-toc-do-Cao (2).jpg
Phối cảnh nhà ga đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận.

Đối với phương án thiết kế ga Phan Rí và Phan Thiết được quy hoạch hai tầng trên cao. Quảng trường được bố trí phía trước và phía sau ga bao gồm bãi đỗ cho xe buýt, ô tô và taxi, xe máy. Tất cả các công trình quảng trường ga sẽ được bố trí trong phạm vi giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 5.600 m2.

Mỗi vị trí ga khách có 3 khu chức năng gồm khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, diện tích 6-8 ha; khu vực dịch vụ, thương mại diện tích từ 10-15 ha; khu vực đô thị dịch vụ diện tích 250-300 ha.

Trong phạm vi dự án, sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, phần phục vụ cho mục đích dịch vụ, thương mại và khu phát triển TOD (Transit Oriented Development, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư) sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.

Duong-sat-toc-do-cao (3).jpg
Điển hình ga hành khách và phát triển đô thị TOD.

Diện tích sử dụng đất đoạn qua địa bàn tỉnh là 936,8 ha gồm đất ở đô thị 7,8 ha, đất ở nông thôn 9,3ha, đất chuyên trồng lúa 79,1 ha, đất rừng phòng hộ 38,2 ha, đất rừng sản xuất 32,2ha, đất trồng cây hàng năm 188,6 ha, đất trồng cây lâu năm 520 ha... Chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư đoạn qua địa bàn tỉnh khoảng hơn 5.800 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm