Khu vực phía Nam sẽ phát triển đô thị như thế nào?

(PLO)- Theo dự thảo nghị quyết, vùng động lực phía Nam tập trung vào tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Chính phủ vừa phát phiếu lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ đưa ra nhiều chiến lược phát triển giao thông, hệ thống đô thị quốc gia trong tương lai…

Vùng động lực phía Nam tập trung vào tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên định hướng được kéo dài đến hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai trong tương lai. Ảnh: HOÀNG GIANG

Vùng động lực phía Nam tập trung vào tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên định hướng được kéo dài đến hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai trong tương lai. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM giữ vai trò quan trọng của khu vực phía Nam

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Trong đó, vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8%-8,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP trong nước khoảng 6,5%-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD.

Chính phủ cũng định hướng tập trung phát triển bốn vùng động lực quốc gia. Cụ thể, vùng động lực phía Nam tập trung vào tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, TP.HCM là cực tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Nam và kết nối quốc tế.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tập trung vào tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn), dọc theo các hành lang quốc lộ 5 và quốc lộ 18. Trong đó, Hà Nội là cực tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tập trung vào khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ chất lượng cao; trung tâm logistics và du lịch biển. Trong đó, Đà Nẵng là cực tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Vùng ĐBSCL tập trung vào tam giác Cần Thơ - An Giang (Long Xuyên) - Kiên Giang (Rạch Giá, Phú Quốc). Trong đó, TP Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và khu vực phụ cận.

TP.HCM giữ vai trò là đô thị hạt nhân

Theo dự thảo nghị quyết, TP.HCM được xác định là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực. TP.HCM sẽ đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM.

Phát triển hạ tầng đường sắt để giảm tải đường bộ

Dự thảo nghị quyết cũng cho rằng để đạt được mức tăng trưởng trên cần tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Trong đó, trên trục Bắc - Nam và hành lang kinh tế trọng điểm cần xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển lớn. Chú trọng phát triển vận tải đường thủy nội địa. Tại các đô thị đặc biệt Hà Nội và TP.HCM cần hình thành các tuyến vành đai và các trục hướng tâm kết nối vành đai, đô thị vệ tinh với trung tâm TP.

Dự thảo nghị quyết cũng đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Điểm đáng chú ý trong việc phát triển hạ tầng giao thông là việc Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt song song với các tuyến đường bộ cao tốc. Theo đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Về đường thủy, Chính phủ đầu tư nâng cấp và xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu); cảng cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Đà Nẵng.

“Về hàng không, cần hoàn thành đầu tư sân bay Long Thành và nâng cấp các sân bay lớn gồm: Nội Bài, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc…” - dự thảo nghị quyết Chính phủ nêu rõ.•

Xem xét nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc - Nam

Theo đại diện Bộ KH&ĐT (cơ quan được giao soạn thảo nghị quyết), quy hoạch trên sẽ giúp hình thành một số vùng động lực, hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại những khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh. “Quy hoạch cũng sẽ tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…” - Bộ KH&ĐT cho hay.

Hiện Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết này. Theo đó, cơ quan này đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, bổ sung một số tồn tại, hạn chế của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay như hệ thống giao thông vận tải không đồng bộ, các hệ lụy khi đường bộ là phương thức giao thông giữ vai trò chủ đạo, trong khi vận tải đường thủy, đường sắt phát triển chưa tương xứng.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét tập trung nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa theo đường cao tốc Bắc - Nam, kết hợp với đường ven biển và ưu tiên thực hiện hai hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh gắn với hành lang Côn Minh; hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm