Ngày 13-7 là ngày thứ hai hàng trăm lính cứu hỏa nỗ lực chiến đấu với cơn hỏa hoạn để cứu tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard của Hải quân Mỹ. Tàu bốc cháy kèm theo vụ nổ lớn vào sáng 12-7 (giờ địa phương) khi đang neo đậu để bảo dưỡng tại căn cứ hải quân San Diego thuộc bang California (Mỹ).
Theo hãng tin Reuters, số thủy thủ và dân thường bị thương trong vụ hỏa hoạn đã lên tới gần 60 người. Hải quân Mỹ cho biết 36 thủy thủ và 23 dân thường bị thương nhẹ và đang được điều trị. Những người này bị kiệt sức do nhiệt và ngạt khói. Không có ai phải nhập viện.
Có thời điểm ngọn lửa lên đến 1.000 độ C
Chuẩn đô đốc Philip Sobeck cho biết đám cháy lan dần lên đến phần thượng tầng của con tàu, lan sang tháp cùng những cấu trúc khác trên đỉnh chiến hạm. Do tàu đang được sửa chữa nên vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn chỉ có 160 thủy thủ so với con số thủy thủ đoàn thông thường là 1.000 người, theo hãng tin Reuters.
Một trực thăng tiếp cận tàu USS Bonhomme Richard. Ảnh: AP
Trong quá trình bảo trì, hệ thống chữa cháy của tàu – vốn có thể giúp ngăn chặn đám cháy lan quá nhanh đã bị ngưng hoạt động.
“Cấu trúc thượng tầng và sàn tàu phía trên tiếp tục bốc cháy và chịu thiệt hại kéo dài. Cột buồm phía trước đã sụp đổ và con tàu đang nghiêng. Tuy nhiên, việc khử nước đang được thực hiện và chúng tôi đang giữ cân bằng tốt” – ông Sobeck cho biết vào sáng 13-7.
Cũng theo ông Sobeck, đám cháy bắt đầu tại một kho hàng chứa nhiều vật tư khác nhau như thạch cao, bìa cứng và vải vụn.
Các quan chức hải quân Mỹ cho biết tất cả loại đạn chính đã được tháo gỡ khỏi tàu như một thông lệ tiêu chuẩn an toàn.
Theo báo Newsweek, có thời điểm đám cháy trên tàu nóng đến ít nhất 1.000 độ C. Tàu USS Bonhomme Richard đang chở một triệu gallon nhiên liệu và nguy hiểm là số nhiên liệu này đang nóng lên từng phút.
Tàu hiện neo tại cảng San Diego và nếu đám cháy không được dập tắt kịp thời, số nhiên liệu có thể bốc cháy, tạo ra thảm họa môi trường chết người và có nguy cơ khiến con tàu ngừng hoạt động.
Theo đài ABC News, mặc dù có 160 thủy thủ trên tàu lúc đám cháy bùng phát sáng 12-7, nhưng hơn 400 thủy thủ đã lên tàu chiến đấu với đám cháy. Những thủy thủ này làm việc xoay ca 15 phút để tránh tiếp xúc quá lâu với khói và nhiệt.
Trong khi thủy thủ tưới nước cho tàu từ bến thì các tàu kéo cũng phun nước từ hai bên, trực thăng hải quân thả 450 thùng nước xuống chiến hạm. Trực thăng phun nước xuống chiến hạm cả ngày 13-7 trong khi tàu chữa cháy phun nước vào thân tàu để làm mát từ bên ngoài.
Đội cứu hỏa San Diego đã ngừng phun nước vào con tàu từ bờ do lo ngại ảnh hưởng tới sức nổi của tàu, theo Reuters.
Lo ngại thảm họa môi trường chết người
Ông Sobeck lo ngại nếu ngọn lửa tiếp tục cả tuần thì thân tàu cuối cùng sẽ bị tách ra, giải phóng nhiên liệu và tạo ra thảm họa môi trường chết người.
Ông nói rằng hiện tại khói từ đám cháy không chứa bất cứ thứ gì độc hại cho cộng đồng xung quanh.
Trực thăng Hải quân Mỹ và lính cứu hỏa San Diego tiếp tục dập lửa trên tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard. Ảnh: REUTERS/Mike Blake
“Ngay lúc này, chúng tôi đang kiểm tra mọi thứ mà chúng tôi biết và tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA). Khi chúng tôi tiếp tục chữa cháy, chúng tôi vẫn ý thức được những lo ngại liên quan tới chất lượng không khí và nguồn nước. Chúng tôi khuyên các bạn nên làm theo những lời khuyên của các cố vấn quận về sự an toàn” – ông Sobeck nói.
Khi được hỏi liệu tàu USS Bonhomme Richard có sửa chữa được không, ông Sobeck nói rằng một khi dập được đám cháy, Hải quân sẽ quyết định sửa chữa hay cho ngừng hoạt động toàn bộ con tàu.
Chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn song một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ nói với Reuters rằng không có bằng chứng cho thấy đây là vụ chơi xấu.
Tàu USS Bonhomme Richard được hạ thủy năm 1998, được thiết kế để chở trực thăng tấn công và bộ binh tham gia chiến đấu.