Nhằm thu hút khách đi/đến sân bay Cần Thơ, mới đây Bộ GTVT đã yêu cầu nhà chức trách hàng không, các hãng bay trong nước tăng cường khai thác các chuyến bay đi và đến sân bay Cần Thơ. Bộ GTVT giao Cục Hàng không (CHK) chỉ đạo các hãng hàng không tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thị trường để mở các đường bay quốc tế và nội địa mới đi/đến sân bay này.
Cùng đó là thực hiện có hiệu quả kết nối hàng không - du lịch vùng ĐBSCL theo đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao nghiên cứu sớm đưa sân bay Cần Thơ đảm bảo khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế vào ban đêm.
Nhiều ưu đãi kích cầu khách đến Cần Thơ
CHK Việt Nam đánh giá Cần Thơ là TP trực thuộc trung ương, là trung tâm kinh tế của khu vực ĐBSCL và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cần Thơ có quy mô đứng thứ sáu trong các cảng hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các địa phương có cảng hàng không khác như Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), lượng khách thông qua Cảng HKQT Cần Thơ thấp hơn và không thể so sánh với các cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Để kích cầu khách đi lại trên đường bay Cần Thơ, các hãng hàng không Việt Nam đã có nhiều chương trình khuyến mãi với các mức giá vé thấp hơn so với các đường bay có độ dài tương đương, tuy nhiên vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến Cần Thơ. Điều này khiến các hãng hàng không cân nhắc bài toán chi phí khi mở rộng hoạt động khai thác đến Cần Thơ, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu JetA1 tăng hơn 50% so với năm 2018.
Giai đoạn cao nhất Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ đạt hơn 40% công suất của nhà ga và xấp xỉ 15% công suất của đường cất/hạ cánh. Ảnh: CHÂU ANH |
Dữ liệu từ CHK cho thấy lịch bay mùa hè năm 2022 (từ ngày 27-3 đến 29-10-2022), có ba hãng hàng không Việt Nam khai thác bảy đường bay đi/đến sân bay Cần Thơ với tần suất là 125 chuyến bay/tuần. So cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19), giảm một đường từ Nha Trang đi/đến Cần Thơ.
Đối với hoạt động quốc tế, các hãng hàng không Thai AirAsia (Thái Lan) và AirAsia (Malaysia) mong muốn khai thác trở lại các đường bay từ Kuala Lumpur, Bangkok đi/đến Cần Thơ thông qua việc xin lại slot trong lịch bay mùa hè năm 2022.
Những dữ liệu trên cho thấy các hãng hàng không đã nỗ lực khôi phục mạng bay nội địa từ các điểm xuất phát có khách đi lại cao. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa như kỳ vọng sân bay Cần Thơ là trung tâm vận chuyển hàng không quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và kết nối của khu vực ĐBSCL. Thậm chí, trước đại dịch, giai đoạn cao nhất Cảng HKQT Cần Thơ chỉ đạt hơn 40% công suất của nhà ga và xấp xỉ 15% công suất của đường cất/hạ cánh. Điều này cho thấy tiềm năng của Cảng HKQT Cần Thơ chưa đạt hiệu quả cao.
Du lịch chưa đặc sắc để hút khách
Lý do gì khiến sân bay Cần Thơ chưa “cất cánh”? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho biết sân bay Cần Thơ được quy hoạch từ khá sớm là trung tâm hàng không kết nối ĐBSCL. tuy nhiên thời gian qua, khách đi/đến Cần Thơ vẫn chưa xứng tầm với nhiều lý do.
Thứ nhất, khu vực này phát triển không năng động bằng khu vực Đông Nam bộ nên mức độ thu hút khách du lịch, nhà đầu tư thấp hơn. Thứ hai, mức độ kết nối vùng lân cận, các sản phẩm du lịch vẫn chưa đặc sắc, các cụm công nghiệp chưa sôi động... Tuy nhiên, TS Châu vẫn đánh giá lạc quan, với chính sách ưu tiên nguồn lực để phát triển ĐBSCL, thời gian tới sân bay Cần Thơ sẽ phát huy vai trò trung tâm hàng không khu vực. Ngoài ra, với vai trò kéo giãn các chuyến bay đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp sân bay Cần Thơ tăng thêm khách.
Về phía nhà khai thác sân bay, một lãnh đạo ACV chia sẻ ACV luôn sẵn sàng đồng hành cùng các hãng hàng không, địa phương mở đường băng sân bay Cần Thơ 24/7 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ĐBSCL. Song bài toán chi phí do nhiên liệu tăng cao trong khi lượng khách nội địa và quốc tế đi/đến trên đường bay này còn thấp nên tính toán bài bản, tổng thể mang tính liên kết vùng mới tạo động lực để sân bay Cần Thơ sôi động.
Trong đó, các tỉnh lân cận cần ngồi lại với nhau để có chiến lược tổng thể về phát triển các sản phẩm du lịch, thu hút nhà đầu tư và quảng bá rộng rãi đến Cần Thơ rồi đi chơi đâu, giải trí gì mới tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.•
Xây dựng chương trình du lịch trọng điểm hút khách
Về yêu cầu tăng cường khai thác các chuyến bay đi và đến sân bay Cần Thơ của Bộ GTVT, CHK đã đề xuất những chính sách thu hút các chuyến bay quốc tế và nội địa đến Cần Thơ.
Về giải pháp tổng thể, CHK kiến nghị áp dụng mức giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định đối với toàn bộ các chuyến bay quốc tế, nội địa đi/đến Cần Thơ đến hết năm 2025 bằng 30% khung giá, từ năm 2026 đến hết 2030 bằng 70% khung giá. Đồng thời, Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không khai thác đến Cần Thơ.
Cùng đó, tăng cường xây dựng các chương trình du lịch có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến khu vực ĐBSCL để phát huy thế mạnh vùng, kết nối sản phẩm du lịch vùng với các địa phương khác để cung cấp cho khách du lịch các sản phẩm đa đạng, đồng bộ.