Kích hoạt báo động đỏ cứu 2 mẹ con sản phụ vỡ tử cung ở Phú Thọ

(PLO)- Sản phụ bị vỡ tử cung có tiền sử phẫu thuật lấy thai và phẫu thuật nội soi gỡ dính buồng tử cung để chuẩn bị mang thai lần 2.

Ngày 19-11, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết vừa cứu sống hai mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung khi đang mang thai 36 tuần.

Sản phụ tên BN, 41 tuổi, trú tại Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, mang thai lần thứ 2.

Ngày 9-11, khi ở tuần thai thứ 36, sản phụ được đưa đến bệnh viện thăm khám, theo dõi vì xuất hiện triệu chứng đau bụng rải rác theo cơn.

Bác sĩ phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ bị vỡ tử cung. Ảnh BVCC

Trước đó, chị N từng phẫu thuật lấy thai một lần và phẫu thuật nội soi gỡ dính buồng tử cung để chuẩn bị mang thai lần 2. Quá trình mang thai, chị được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm và được hướng dẫn theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ.

Sau khi vào viện khoảng 1 giờ, sản phụ bất ngờ xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội và diễn biến rất nhanh. Chỉ sau khoảng 5 phút, chị N có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Các bác sĩ ngay lập tức chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ, đồng thời kích hoạt báo động đỏ toàn viện mức độ nguy kịch.

Lãnh đạo Bệnh viện chỉ đạo các bác sĩ chuyên ngành Sản khoa, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực chống độc, Sơ sinh và Ngoại nhi ngay lập tức phối hợp cùng xử trí bệnh nhân.

Nhân viên y tế chúc mừng sản phụ được cấp cứu kịp thời.

Ca phẫu thuật được tiến hành gấp rút, chỉ vài phút sau, bé trai chào đời với cân nặng 2,7kg. Bé được các bác sĩ Nhi sơ sinh thăm khám ngay tại phòng mổ và sau đó chuyển đến Khoa Nhi ơ sinh để tiếp tục điều trị, theo dõi.

ThS.BS Hoàng Thị Chung, Trưởng khoa Sản 1, người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ cho biết khi mở ổ bụng người bệnh ra, bà thấy đây là một trường hợp vỡ tử cung rất hiếm gặp vì vị trí vỡ nằm ở đáy tử cung, nơi có sẹo mổ cũ khi người bệnh thực hiện phẫu thuật nội soi gỡ dính buồng tử cung trước đó.

Đây cũng là ca phẫu thuật rất phức tạp vì ngoài việc xử lý tình trạng vỡ tử cung, cắt lọc, khâu phục hồi bảo tồn tử cung cho người bệnh, các bác sĩ còn phải thực hiện gỡ dính, bóc rau do sản phụ còn có tình trạng rau tiền đạo trung tâm.

Thách thức lớn nhất đối với phẫu thuật viên trong trường hợp này là kiểm soát tình trạng chảy máu, làm sao để không gây chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng sản phụ khi thực hiện đồng thời không gây tổn thương các cơ quan lân cận.

Quá trình phẫu thuật, sản phụ được truyền 4.000ml khối hồng cầu và huyết tương tươi đông lạnh.

Sau phẫu thuật, sản phụ được đưa về điều trị, theo dõi tại Khoa Sản 1. Sau 6 ngày điều trị, sức khỏe sản phụ ổn định, sản phụ tỉnh táo, ăn uống tốt, vết mổ khô và được cho xuất hiện.

Em bé vẫn tiếp tục được theo dõi tại Khoa Nhi Sơ sinh vì tình trạng non tháng, song bé phản xạ tốt, ăn sữa tốt, các chỉ số sức khỏe trong giới hạn bình thường và có kế hoạch được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo các bác sĩ, vỡ tử cung thường diễn biến xấu rất nhanh, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, tỉ lệ tử vong cả sản phụ và thai nhi là rất cao.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện theo dõi, quản lý thai nghén chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Các trường hợp được chẩn đoán mắc các bệnh lý sản khoa như rau tiền đạo trung tâm - rau cài răng lược, tiền sản giật,... cần thực hiện khám thai tại bệnh viện chuyên khoa với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

Đồng thời, sản phụ khi sinh con cũng nên đến bệnh viện có khả năng phẫu thuật chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, tránh các tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới