Kiểm lâm kiểm tra vụ tàn sát rừng sông Lũy

Hôm qua (14-12), dù là ngày nghỉ nhưng Đội Kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đã cử lực lượng lên đỉnh Sa Mai thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (Bắc Bình, Bình Thuận) để tiếp cận hiện trường vụ phá rừng bằng lăng mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.

Cùng ngày, Hạt Kiểm lâm Bắc Bình cũng phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy tiếp cận hiện trường vụ phá rừng.

Án binh bất động

Hiện mọi hoạt động của các nhóm lâm tặc tại Ninh Loan đều dừng lại. Số xe Ifa L60 được cải tiến và được mệnh danh là xe “trâu bò” để vận chuyển gỗ cũng đã được giấu kỹ. Theo một nguồn tin riêng, chỉ đạo và điều hành “chiến dịch cá mập” của lâm tặc đánh vào đỉnh Sa Mai là ba ông trùm gỗ lậu khét tiếng Hữu, Lệ và Sòn P.

Được biết ngoài tiểu khu 73A ở sông Dú thuộc khu vực rừng phải bảo vệ nghiêm ngặt mà chúng tôi đã phản ánh, lực lượng kiểm lâm cũng đã phát hiện tại tiểu khu 79 (cùng khu vực) cũng có dấu vết phá rừng của lâm tặc. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa kiểm đếm rõ số lượng và mức độ rừng bị thiệt hại.

Như chúng tôi đã thông tin, giữa tháng 11-2014, các trùm gỗ lậu ở Ninh Loan, Đức Trọng (Lâm Đồng), nơi giáp ranh với rừng phòng hộ Sông Lũy, đã tung nhiều nhóm lâm tặc vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn dựng lán trại, triệt hạ gỗ bằng lăng và cưa xẻ gỗ tại chỗ. Các trùm gỗ lậu cho lâm tặc phát cây, lăn đá mở một con đường dài đến năm cây số từ đỉnh Sa Mai (có độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển) xuống hiện trường vụ phá rừng để vận chuyển gỗ. Từ con đường này, lâm tặc đã đưa cơ giới vào vận chuyển hàng trăm mét khối gỗ trót lọt qua Lâm Đồng.

Hiện trường rừng phòng hộ đầu nguồn sông Lũy bị lâm tặc tận diệt. Ảnh: PN

Nhiều gốc bằng lăng có đường kính hơn 1 m bị đốn hạ. Ảnh: PN

Nhiều điểm bất thường

Điều khó hiểu trong vụ tàn sát rừng là muốn ra khỏi rừng phải qua độc đạo và ít nhất ba trạm bảo vệ rừng, một chốt chặn kiểm tra cơ động nhưng lâm tặc hoạt động thời gian dài vẫn không ai phát hiện.

Theo K’ Mang, người dân tộc K’ho dẫn đường cho chúng tôi vào hiện trường, con đường mà lâm tặc vừa mở từ đỉnh Sa Mai xuống dưới phải mất ít nhất nửa tháng. Lâm tặc dựng lán trại triệt hạ gỗ trong các tiểu khu được bảo vệ nghiêm ngặt phải mất từng ấy thời gian nhưng lực lượng bảo vệ rừng không hề phát hiện là điều quá khó hiểu.

Chưa hết, sau khi phát hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy còn có dấu hiệu ém nhẹm, không báo cáo cho các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Thuận. Chiều 12-12, khi vụ phá rừng đã được phát hiện hơn 20 ngày, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Phan Văn Minh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, thông báo về vụ phá rừng, ông Minh hỏi: “Phá rừng ở đâu? Tôi chưa nghe!” Và từ chối trả lời thêm vì “mới đi làm về mệt”. Trong khi trước đó bảo vệ rừng đã cho hủy hơn 70 hộp gỗ tại hiện trường để ngăn lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng.

Hôm nay các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra quy mô, lượng gỗ mà lâm tặc tàn sát, không chỉ ở tiểu khu 73A.

Bình Thuận và Lâm Đồng có vùng giáp ranh khoảng 200 km và rừng của tỉnh Bình Thuận giáp với tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn. Khu vực rừng giáp ranh thành nơi mưu sinh của không ít đối tượng phá rừng, săn bắt động vật. Tháng 5-2013, tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh và sau đó cơ quan chức năng tăng mật độ truy quét nên số vụ vi phạm về rừng giảm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.