DƯƠNG NGỌC HẢI, ĐBQH, Viện trưởng VKSND TP.HCM
Một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát năm 2017 là tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Từ đó VKSND TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp. Ngay từ khi giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, lãnh đạo VKS phải trực tiếp chỉ đạo và kiến nghị khởi tố. VKS sẽ kiểm sát chặt tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế, kiểm sát chặt các quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án. Kiểm sát viên (KSV) phải chủ động đề ra yêu cầu điều tra, tham gia hỏi cung, phúc cung bị can, làm rõ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội để phê chuẩn có căn cứ. Cạnh đó KSV phải kiểm sát chặt việc đình chỉ, tạm đình chỉ, nhất là tội phạm về tham nhũng.
Ông DƯƠNG NGỌC HẢI, ĐBQH, Viện trưởng VKSND TP.HCM
Người đứng đầu VKS phải chịu trách nhiệm về các trường hợp cơ quan điều tra, VKS đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự nhưng sau đó phát hiện oan sai, né trách nhiệm bồi thường hoặc bỏ lọt tội phạm. Rà soát các trường hợp khởi tố vụ án nhưng chưa xác định được bị can hoặc bị can bỏ trốn. Từ đó đôn đốc cơ quan điều tra tích cực truy xét và truy bắt đối tượng gây án và bỏ trốn để phục hồi điều tra. Cạnh đó cần kiểm sát chặt việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án và bị can thuộc thẩm quyền, yêu cầu phục hồi điều tra và truy tố khi đủ căn cứ.
VKS hai cấp không để xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra và vụ án vì không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự trái luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Trong đó phải chấm dứt việc lạm dụng việc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Ngoài ra cần phát hiện, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác minh, xử lý các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp. Không để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng tòa tuyên không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại có lỗi của VKS, hạn chế các trường hợp tòa xét xử khác quan điểm truy tố…
Trong việc kiểm sát, ngành kiểm sát TP sẽ chú trọng tổng hợp các vi phạm, thông báo rút kinh nghiệm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Việc phân tích các bản án bị hủy sửa do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hủy sửa do lỗi cấp sơ thẩm cũng cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Cạnh đó cần theo dõi việc nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV để phát hiện vi phạm trong bản án đã có hiệu lực để báo cáo VKS cấp trên xem xét kháng nghị...
Dự kiến quý III-2017, VKSND TP.HCM sẽ hoàn thành chuyên đề “Rút kinh nghiệm án hình sự VKS truy tố, tòa tuyên không phạm tội; các vụ án bị hủy để xét xử lại hoặc hủy để điều tra, xét xử lại”. Chuyên đề này nhằm phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm, tránh lặp lại các sai sót trong các vụ án cho toàn ngành.
Lãnh đạo VKS cũng yêu cầu cấp dưới phải chủ động rà soát, kiểm tra và giải quyết dứt điểm những vụ án có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời sớm kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị để minh oan cho người vô tội. Với những trường hợp đã để xảy ra oan sai nghiêm trọng, phải tổ chức kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thông báo rút kinh nghiệm. Sau đó xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo phụ trách, không tái bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh tư pháp và điều chuyển làm việc khác đối với lãnh đạo, KSV có vi phạm đã được chấn chỉnh nhưng không khắc phục...