Kiểm soát chặt 'đường đi' của tài sản quan chức

Một trong những bản góp ý ấy đến từ Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), đánh giá cao việc Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng cuối năm 2018 và nay Chính phủ đang cụ thể hóa bằng các nghị định.

Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành TT Việt Nam, đánh giá một trong những điểm mới trong luật và nay được cụ thể hóa ở dự thảo nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập là lần đầu tiên Việt Nam thiết lập cơ chế xác minh hằng năm một số bản kê khai tài sản, theo cách “lựa chọn ngẫu nhiên”. Đây là cách tiếp cận phù hợp, khi mà đối tượng phải kê khai tài sản vẫn rất rộng, không thể dễ dàng mà đánh giá được hết về tính trung thực của người có chức quyền.

Tuy nhiên, ngay cả lựa chọn ngẫu nhiên như vậy thì theo TT, vẫn nên hướng vào nhóm nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. “Cách làm này vừa đảm bảo tính tập trung vào các vị trí quyền lực, có nguy cơ tham nhũng cao, vừa đảm bảo được tính nêu gương của cán bộ” - trích văn bản góp ý của TT gửi Thanh tra Chính phủ.

Mẫu kê khai tài sản chưa chi tiết

Cũng theo Tổ chức Hướng tới minh bạch, mẫu bản kê khai mặc dù liệt kê khá nhiều loại tài sản mà người có chức quyền phải báo cáo nhưng chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người kê khai về cung cấp thông tin chi tiết từng món tài sản của mình.

Mẫu này bao quát cả bất động sản thuộc quyền sở hữu “trên thực tế”, tức là chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng lại chưa bao quát các loại tài sản khác như ô tô, tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư ủy thác… trên thực tế là của quan chức ấy nhưng lại do vợ, con, người thân đứng tên giúp.

Về kỹ thuật kê khai, dường như nghị định này vẫn dừng ở mức hiện tại là kê khai vào mẫu giấy in sẵn. Cách làm ấy không còn phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, mà thực tế trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, kể cả khu vực tư, người dân đã có thể kê khai online và thông tin được lưu trữ dễ dàng vào kho dữ liệu điện tử. Vậy nên khi Luật Phòng, chống tham nhũng mới và nghị định đã có bước tiến về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập thì kỹ thuật kê khai tài sản có lẽ cũng nên bằng công cụ trực tuyến.

Ngoài các phân tích, góp ý nêu trên, bà Viễn cho biết TT đề nghị mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin các bản kê khai tài sản. Dù chưa công khai đến mức độ bất cứ công dân nào cũng có thể truy cập, tìm hiểu như ở các nước phát triển thì vẫn nên lập ra một hội đồng với đại diện từ cơ quan dân cử, cơ quan kiểm soát tài sản, MTTQ, giới học thuật. Tổ chức này có quyền yêu cầu cung cấp, khai thác thông tin về tài sản, thu nhập của những người được lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh hằng năm và đưa ra yêu cầu xác minh một số bản kê khai nằm ngoài số bốc thăm kia, khi có đủ căn cứ hợp lý nào đó.

Nhiều góp ý tâm huyết nhưng vượt luật

Tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết các góp ý cho dự thảo nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập của TT cũng như các bộ, ngành, địa phương đang được tổng hợp, phân loại, qua đó lên phương án tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh nghị định trước khi trình Chính phủ.

“Rất nhiều góp ý tâm huyết, trách nhiệm” - nguồn tin cho biết.

Chẳng hạn, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị mở rộng việc công khai bản kê khai tài sản tới Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố để thực hiện niêm yết tại nhà văn hóa cộng đồng, qua đó tăng cường giám sát của cộng đồng dân cư. Đây cũng là ý kiến của tỉnh Hà Giang, mong muốn niêm yết bản kê khai tài sản tại trụ sở thôn, bản, tổ dân phố, UBND xã nơi người kê khai cư trú thường xuyên.

Một số địa phương như Điện Biên, Bình Thuận, Tây Ninh… còn đề nghị mở rộng diện kê khai tài sản theo hướng đối tượng phải kê khai tài sản hằng năm bắt đầu từ cán bộ cấp phó phòng, có hệ số phụ cấp trách nhiệm từ 0,3 trở lên, chứ không chỉ nhóm có phụ cấp từ 0,4 như dự thảo.

“Chúng tôi trân trọng tiếp nhận các góp ý đấy. Nhưng thực sự, có một số kiến nghị mà qua đánh giá ban đầu thì vượt quá quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nên khó có thể đưa vào nghị định lần này” - tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm