Kiện đòi 1,7 tỉ đồng vì mổ mắt xong bị mù

Ngày 25-3, TAND TP.HCM đã xử vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Hữu Thông (Việt kiều Mỹ) và bị đơn là BV Mắt Sài Gòn. Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy cần xem xét đầy đủ các chứng cứ liên quan nên nói sẽ tuyên án vào ngày 1-4.

Mổ mắt xong không thấy gì luôn

Dù đã ủy quyền cho người khác thay mặt mình trình bày các ý kiến nhưng ông Thông vẫn về Việt Nam, có mặt tại phiên tòa để bổ sung ý kiến nếu cần thiết. Trước khi phiên tòa diễn ra, ông nói: “Số tiền gần 80.000 USD (tương đương gần 1,7 tỉ đồng) mà tôi đòi bồi thường là những chi phí hợp lý từ việc thay giác mạc bên Mỹ (50.000 USD) và thiệt hại do mất thu nhập lái taxi khi tôi phải nghỉ để điều trị bệnh. Riêng chi phí đi lại và tổn thất tinh thần tôi bỏ qua”.

Ông Thông kể tháng 6-2009, ông về Việt Nam chơi và đến BV Mắt Sài Gòn khám mắt. Bác sĩ tại đây chẩn đoán mắt phải của ông bị đục thủy tinh thể và phải mổ theo phương pháp phaco + IOL (kính nội nhãn). “Lúc đó các bác sĩ cam đoan với tôi sẽ điều trị khỏi bệnh 100% sau bảy phút với chí phí chỉ gần 8 triệu đồng” - ông Thông nhớ lại.

Vẫn theo lời ông Thông, sau khoảng năm phút mổ, bác sĩ nói ông sẽ khỏi sau bốn tiếng đồng hồ rồi cho thuốc ông ra về và hẹn một tuần sau đến tái khám. Tuy nhiên, bốn giờ sau thay vì mắt khỏi hẳn thì ông cảm nhận mọi thứ mờ dần, đến sáng hôm sau thì không thấy gì. Lập tức ông quay lại bệnh viện khám. Bác sĩ điều trị kết luận ông bị phù giác mạc, biến chứng bình thường sau ca mổ, khoảng một tuần các triệu chứng sẽ biến mất.

 
Ông Huỳnh Hữu Thông: “Sau khi mổ mắt xong thì tôi hết thấy gì luôn”. Ảnh: PT

Phải qua Mỹ thay giác mạc

Nghe lời bác sĩ, ông về uống thuốc theo toa, qua hai lần tái khám theo chỉ định nhưng mắt ông vẫn không hết mờ. Vì vậy ngày 12-6-2009, ông tự đến BV Mắt TP.HCM khám và được chẩn đoán mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc, nếu không điều trị kịp thời sẽ mù vĩnh viễn. Bác sĩ tại đây nói Việt Nam chưa thể điều trị thay giác mạc.

“Đến hẹn tái khám ở BV Mắt Sài Gòn, bác sĩ điều trị ở đây không đề cập gì đến chuyển biến bệnh tình cũng như việc tái khám. Hoảng loạn quá nên tôi tức tốc bay qua Mỹ để thay giác mạc. Khi sang đó, chính tôi đã gọi điện thoại cho bác sĩ tại BV Mắt Sài Gòn để họ nắm tình hình, chính họ cũng nói với tôi rằng “anh cứ làm phẫu thuật bên đó đi, về đây chúng tôi sẽ tính lại cho anh””.

Ông Thông tiếp tục: “Vậy mà khi tôi về họ lại bảo rằng họ không sai nên chỉ hỗ trợ cho tôi 8.000 USD. Khi tôi khiếu nại qua Sở Y tế thì phía BV Mắt Sài Gòn cũng nói chỉ hỗ trợ 25.000 USD với điều kiện là dùng cụm từ “hỗ trợ” chứ không phải “bồi thường”, đồng thời tôi không được đưa thông tin lên truyền thông, báo chí. Quá uất ức, tôi phải ngậm ngùi thưa kiện năm năm qua trong khi tôi thất nghiệp hoàn toàn vì thị lực bị giảm chỉ còn 40%. Mắt của tôi bây giờ một con màu xanh (do được thay giác mạc của một người nước ngoài) và một con màu đen. Thiệt hại đó ai tính cho tôi?”.

“Chúng tôi làm đúng quy trình”

Tranh luận tại tòa, phía BV Mắt Sài Gòn không đồng ý với yêu cầu đòi bồi thường của ông Thông vì phía bệnh viện và cả bác sĩ đã chẩn đoán, khám, chữa bệnh theo đúng quy trình, không có sai sót về chuyên môn cũng như kỹ thuật.

Đại diện bệnh viện khẳng định: “Phù giác mạc là biến chứng sau mổ và có thể chữa trị khỏi. Biến chứng này là ngoài khả năng của bác sĩ do bệnh lý và cơ địa của bệnh nhân. Tuy biến chứng này hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có. Biến chứng này bệnh viện chúng tôi vẫn điều trị được nhưng do ông Thông không tuân thủ quy định hậu phẫu, tự ý điều trị tại bệnh viện khác nên phát sinh điều trị, không thể yêu cầu phía chúng tôi phải chịu”.

Ngược lại, ông Thông nói theo lịch trình thì đến ngày 20-6 ông tiếp tục đến tái khám tại bệnh viện. Tuy nhiên, người tái khám lại không phải là bác sĩ điều trị trước đây. Hơn nữa sau khi khám xong, bác sĩ cũng không hề chỉ định tiếp ngày tái khám nên buộc ông phải về Mỹ thay giác mạc.

Phía BV Mắt Sài Gòn không đồng ý hỗ trợ như trước nữa mà nói sẽ theo phán quyết của tòa. Còn ông Thông vẫn một mực yêu cầu bệnh viện phải bồi thường gần 1,7 tỉ đồng. Sau khi hội ý, tòa tuyên bố sẽ tuyên án vào ngày 1-4 tới.

PHAN THƯƠNG

 

Cơ quan nào giám định mới đúng?

Để chứng minh phía bệnh viện có lỗi, ông Thông đã yêu cầu giám định. Sau đó Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM có kết luận phía bệnh viện theo dõi bệnh nhân sau mổ không đúng theo các nội dung quy định trong quy trình phẫu thuật…

Phía BV Mắt Sài Gòn cho rằng kết luận giám định trên là không đúng với quy định tại Điều 74 Luật Khám, chữa bệnh năm 2009. Theo đó nếu các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn thì có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn. Như vậy, nếu sau khi Sở Y tế có kết luận phía bệnh viện không có lỗi thì ông Thông có thể khiếu nại qua Bộ Y tế và cơ quan này mới là cơ quan giám định cuối cùng chứ không phải là Phân viện Pháp y. Ngoài ra, đây là bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ nên không chính xác, khách quan.

Bác lại, luật sư phía ông Thông cho rằng kết luật của Sở Y tế hay Bộ Y tế chỉ là kết luận cấp cơ sở, không phải là văn bản tố tụng làm cơ sở pháp lý để giải quyết vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm