Bà Thảo yêu cầu tòa buộc công ty bồi thường cho bà 2,2 tỉ đồng và công khai xin lỗi vì đã cho bà thôi việc trái luật.
Theo bà Thảo, tháng 5-2015, công ty điều chuyển bà đảm nhiệm chức danh giám đốc phát triển dự án. Sau một thời gian bà Thảo khiếu nại để mong muốn công ty tuân thủ quy định về việc điều chuyển, công ty ra thông báo cho bà thôi việc với lý do tái cơ cấu nên có quyền sa thải nếu không nhận việc mới.
“Công ty không xây dựng phương án sử dụng lao động. Thực sự là công ty chỉ sắp xếp lại phòng ban, điều chuyển nhân sự nhưng lại không thỏa thuận về việc điều chuyển, cũng không thông báo trước ba ngày theo quy định. Quyết định điều chuyển cũng không thể hiện sẽ điều chuyển trong vòng sáu tháng. Trong các căn cứ điều chuyển và cho nghỉ việc, công ty chỉ có duy nhất nghị quyết của HĐQT. Tuy nhiên, nghị quyết này không căn cứ vào đề án tái cơ cấu, mà chủ yếu là việc điều chuyển công tác cho các chức danh quản lý. Hơn nữa công việc mới không phù hợp chuyên môn, mà tôi không được đào tạo lại…” - bà Thảo trình bày.
Ngược lại, đại diện công ty trình bày do tái cơ cấu nhưng không thỏa thuận được với bà Thảo về công việc mới nên công ty đã thông báo chấm dứt hợp đồng đúng quy định. “Việc bà Thảo cho rằng không biết tờ trình ngày 13-2-2015 và đề án tái cấu trúc bộ máy tổ chức hoạt động cũng không đồng nghĩa với việc không có hai văn bản này. Việc đáp ứng yêu cầu mới với công việc mới là nghĩa vụ của người lao động. Hơn nữa, bà Thảo vào công ty nhưng không nhận công việc mới nên công ty không thể sắp xếp đào tạo lại cho bà Thảo…” - người đại diện theo ủy quyền của công ty trình bày.
Sau khi xem xét, tòa đã phán quyết rằng việc công ty cho bà Thảo nghỉ là đúng pháp luật. Tòa đã tính toán lại phần lương chênh lệch mà bà Thảo bị tính thiếu do công ty tự ý giảm lương của bà. Tòa buộc công ty thanh toán 77 triệu đồng là số tiền lương tính thiếu cho bà Thảo từ tháng 5 đến tháng 10-2015, thời điểm công ty cho bà Thảo nghỉ việc.
Bà Thảo cho biết bà đã nộp đơn kháng cáo bản án này.