Kiện đội trưởng quản lý thị trường vì giữ hàng hóa lâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND quận Ô Môn (TP Cần Thơ) vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông NVB (ngụ huyện Cờ Đỏ) và người bị kiện là đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 (nay là Đội QLTT số 2, có địa chỉ tại quận Ô Môn).

Bị kiện vì giữ hàng hóa quá lâu

Theo đó, đại diện ủy quyền của ông B trình bày: Năm 2004, hộ của ông được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do ông đứng tên đại diện hộ kinh doanh.

Đại diện ủy quyền của ông NVB tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: NHẪN NAM

Ngày 25-1-2019, Đội QLTT số 8 kết hợp với Đội cảnh sát quản lý kinh tế - Công an huyện Cờ Đỏ tiến hành kiểm tra, lập biên bản tạm giữ tang vật là hàng hóa được liệt kê cụ thể số thứ tự trong biên bản kiểm tra và các bảng kê. Theo bảng kê, các hàng hóa bị tạm giữ của hộ ông B là máy mài, máy khoan, máy bắn ốc, máy bào, bộ lưỡi cưa, máy thổi hơi, máy xịt rửa xe, máy hàn…

Ngày 28-1-2019, ông B đã nộp sáu hóa đơn giá trị gia tăng để chứng minh hàng hóa mua bán có nguồn gốc hợp pháp. Qua hôm sau, đội trưởng đội QLTT ban hành Quyết định 00004774 về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính đối với toàn bộ hàng hóa bị tạm giữ từ ngày 25-1-2019.

Đến khoảng cuối tháng 11-2019, đội QLTT có mời ông B đến để trả lại số hàng hóa đã tạm giữ nhưng vì hàng hóa bị tạm giữ đã lâu nên ông B không nhận mà quyết định khởi kiện ra tòa. Ông B cho rằng việc ra quyết định tạm giữ hàng hóa của đội trưởng đội QLTT là trái pháp luật nên yêu cầu tòa án xem xét hủy quyết định trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại tổng cộng 217,65 triệu đồng.

Tại phiên tòa, người đại diện của ông B đã rút số tiền yêu cầu bồi thường xuống còn 117,65 triệu đồng. Trong đó, 17,65 triệu đồng là tiền giá trị hàng hóa bị tạm giữ. Hai bên đã thỏa thuận là đội QLTT sẽ trả lại cho ông B số tiền này và được toàn quyền quyết định về số hàng hóa đang tạm giữ của ông B. Số tiền 100 triệu đồng còn lại bao gồm tổn thất tinh thần 14 triệu đồng, thiệt hại vật chất 76 triệu đồng (tiền thuê xe đi lại, thuê luật sư, sụt giảm kinh doanh…) và 10 triệu đồng tiền bồi thường danh dự, tài sản vô hình.

Tại tòa, đội trưởng đội QLTT thừa nhận có sự việc tạm giữ hàng hóa của hộ ông B như ông trình bày và có thỏa thuận về việc trả số tiền tương đương với giá trị hàng hóa là 17,65 triệu đồng cho ông B.

Theo người bị kiện, sau khi ông B nộp sáu hóa đơn giá trị gia tăng thì đội QLTT đi xác minh. Qua đó, hộ kinh doanh xuất hóa đơn cho hộ ông B tường trình là xuất hóa đơn lùi ngày nên hộ này xin thu hồi các hóa đơn. Điều đó cho thấy hàng hóa của hộ ông B không có hóa đơn theo quy định.

Vì vậy, ngày 29-1-2019, đội trưởng đội QLTT ban hành Quyết định 00004774 như trên. Đến ngày 18-11-2019, đội trưởng đội QLTT đã ban hành quyết định về việc trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ tạm giữ do quá hạn tạm giữ theo quy định pháp luật nhưng ông B không đến nhận hàng.

Theo đội trưởng đội QLTT, việc đội này ban hành quyết định trả lại hàng hóa cho ông B thì đương nhiên Quyết định 00004774 không còn giá trị. Phía người bị kiện không đồng ý bồi thường cho ông B 100 triệu đồng, chỉ đồng ý công nhận thỏa thuận về việc trả lại số tiền 17,65 triệu đồng như trên.

Tạm giữ chín tháng 22 ngày là trái pháp luật

HĐXX nhận định Quyết định 00004774 trên được ban hành là có căn cứ. Theo tòa, thời gian tạm giữ theo quyết định này là bảy ngày, phù hợp với quy định pháp luật. Thời gian tạm giữ trong trường hợp này không quá 30 ngày nhưng thực tế, đội QLTT đã tạm giữ hàng hóa của ông B từ ngày 25-1-2019 đến ngày 18-11-2019 là chín tháng 22 ngày, trái quy định pháp luật. Vì vậy, yêu cầu của ông B về việc hủy Quyết định 00004774 là có căn cứ chấp nhận.

Theo tòa, Quyết định 00004774 bị hủy do lỗi của đội trưởng đội QLTT nên người này phải có trách nhiệm hoàn trả hàng hóa và bồi thường thiệt hại với hàng hóa bị tạm giữ nếu có theo quy định pháp luật. Đối với hàng hóa bị tạm giữ, các bên đã thống nhất giá trị là 17,65 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, các bên đã có thỏa thuận với nhau vào tháng 6-2021. Theo đó, người bị kiện đồng ý nhận toàn bộ số hàng hóa tạm giữ nêu trên và có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ giá trị hàng hóa bị tạm giữ cho người khởi kiện là 17,65 triệu đồng. Thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên HĐXX công nhận.

Người khởi kiện còn yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng về tổn thất tinh thần, tài sản vô hình, danh dự... Tòa cho rằng do đội trưởng đội QLTT có lỗi dẫn đến quyết định hành chính bị hủy nên phải bồi thường thiệt hại nếu có. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, người yêu cầu bồi thường phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.

Trong vụ án này, người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh nhưng quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người khởi kiện cũng thừa thận dù có thiệt hại thực tế nhưng không chứng minh được. Do đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại về phần này không có cơ sở chấp nhận.

Từ đó, tòa quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, tuyên hủy Quyết định 00004774, ghi nhận thỏa thuận của các bên, người bị kiện được định đoạt số hàng hóa tạm giữ và phải hoàn trả cho người khởi kiện số tiền 17,65 triệu đồng. Tòa bác một phần yêu cầu của ông B đối với phần yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần, vật chất, tài sản vô hình…

Sau khi kết thúc phiên tòa, đại diện ủy quyền của ông B cho biết sẽ kháng cáo bản án về phần yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm