Kiến nghị chi 2.200 tỉ nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 1

Theo Ban quản lý (BQL) dự án 7, hiện nay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ (không kể tuyến cao tốc có thu phí) có thể đi theo hai hướng chính là quốc lộ (QL) 1 hoặc đi đường vòng theo tuyến N2. Trong đó, tuyến N2 phải đi rất xa nên đa phần đều đi theo tuyến QL1. Tuy nhiên, QL1 hiện nay đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn giao thông.
Quốc lộ 1 có nhiều vị trí hư hỏng
Theo BQL dự án 7, QL1 (đoạn TP.HCM - TP Cần Thơ) là tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của khu vực. 
Theo quy hoạch, hiện nay các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, khi các tuyến cao tốc này hoàn thành cũng sẽ không làm giảm đi vai trò đặc biệt quan trọng của QL1.
Trong khi đó, mặt đường QL1 kết cấu bê tông nhựa hiện nay đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, chủ yếu là nứt chân chim, lún vệt bánh xe, đùn nhựa. Một số đoạn xảy ra tình trạng lún 2-4 cm, mặt bê tông nhựa đã “lão hóa” qua thời gian khai thác… cũng như do lượng phương tiện di chuyển lớn.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã tiến hành đầu tư, nâng cấp mở rộng và tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ Lạng Sơn đến TP.HCM và một tuyến tránh trên QL1, như tuyến tránh TP Tân An (Long An), tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).
Hiện nay ngành giao thông vẫn chưa đầu tư tăng cường đồng bộ mặt đường cho tuyến QL1 từ TP.HCM đi TP Cần Thơ, trong khi đây là tuyến đường có lượng xe cộ qua lại cao và quan trọng bậc nhất khu vực. 
“Do vậy, để kết nối hoàn thiện giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, nâng cao chất lượng khai thác, ngăn chặn sự xuống cấp của mặt đường hiện hữu… thì cần sớm nâng cấp dự án này” - BQL dự án 7 nhận định.

Quốc lộ 1 đoạn giáp ranh TP.HCM và tỉnh Long An hiện đã quá tải.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều địa phương kiến nghị sửa chữa
Để nâng cấp, sửa chữa QL1 (đoạn TP.HCM đi TP Cần Thơ), BQL dự án 7 kiến nghị tổng mức đầu tư dự kiến là gần 2.200 tỉ đồng. Công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện năm 2021-2022, tiến hành khởi công vào năm 2022, hoàn thành vào năm 2024.
Về nâng cấp QL1 từ TP.HCM đi TP Cần Thơ đã được UBND các tỉnh, TP có tuyến đi qua kiến nghị Bộ GTVT cho phép triển khai. Từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách được an toàn. 
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho hay sở đã kiến nghị đầu tư, nâng cấp đoạn giáp ranh TP.HCM về Bến Lức. Vì hiện nay khu vực này tập trung dân cư đông đúc nên gây tình trạng thắt nút cổ chai, thường xuyên kẹt xe kéo dài. Bên cạnh đó, hai bên đường còn bị đọng nước đã gây mất an toàn giao thông. Do đó, Sở GTVT tỉnh Long An kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư đồng bộ QL1 đoạn giáp ranh tỉnh Long An và TP.HCM để lưu thông cho tốt. Đồng thời, Sở GTVT tỉnh Long An kiến nghị Bộ GTVT sớm bố trí nguồn vốn để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. 
Tương tự, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, đánh giá QL1 đoạn TP.HCM đi qua tỉnh Tiền Giang đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư đông đúc, lượng phương tiện di chuyển lớn… song mặt đường hiện hữu không được bảo đảm. 
“Hiện một số đoạn không có hệ thống thoát nước nên hễ mưa là ngập, gây mất an toàn giao thông. Theo đó, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai nâng cấp dự án này để bảo đảm an toàn giao thông, tăng khả năng thông hành xe trong khu vực ĐBSCL” - ông Bon cho hay.•
 Hơn 153 km đường được kiến nghị nâng cấp
Dự án sẽ thảm bê tông nhựa tăng cường mặt đường đối với các đoạn tuyến có chất lượng mặt đường trung bình và xấu, bao gồm cả đường nhánh, đường song hành và đường trong nút giao. Trong đó, tuyến chính dài khoảng 71,38 km; đường nhánh, đường song hành dài khoảng 25,22 km và đường trong nút giao dài khoảng 9,85 km. 
Điểm đầu dự án là Km 1924+815 (ranh giới giữa TP.HCM và tỉnh Long An), thuộc địa phận tỉnh Long An. Điểm cuối là Km 2078+317 (điểm đầu dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, gần ranh giới giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang), thuộc địa phận TP Cần Thơ. Tổng chiều dài tuyến chính là 153,5 km. BQL dự án 7 kiến nghị chiều dài các đoạn giữ nguyên hiện trạng để khai thác là 82,12 km, chiều dài các đoạn tuyến cần đầu tư tăng cường mặt đường ở dự án này là 71,38 km.
Dự kiến phương án đầu tư là thảm bê tông nhựa mặt đường và xây dựng thêm một đơn nguyên cầu độc lập bên cạnh cầu hiện hữu cho sáu cây cầu. Trong đó có ba cầu nằm trong phạm vi dự án tuyến tránh thị xã Cai Lậy là cầu Nhị Mỹ, cầu Cai Lậy, cầu Phú Nhuận; ba cầu nằm trong phạm vi tăng cường mặt đường thuộc dự án tuyến tránh thị xã Cai Lậy gồm cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm