Kiến nghị gỡ vướng về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, năm 2017, UBND TP.HCM xác định lĩnh vực trọng tâm công tác dõi thi hành pháp luật (THPL) trên địa bàn TP là “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp” (gọi tắt là DNKN). Theo chỉ đạo của TP, Sở Tư pháp TP chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các UBND quận-huyện tổ chức triển khai công tác này trên địa bàn TP.

Hai điểm vướng khi theo dõi THPL

TP thường xuyên tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật về DNKN cho các  doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương, cán bộ công chức, mặt trận đoàn thể với nhiều hình thức như xây dựng các chuyên mục trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tọa đàm, vận hành các phần mềm phục vụ cho doanh nghiệp (như ki ốt điện tử, bảng điện tử)... qua đó đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những khó khăn vướng mắc.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM phát biểu tại hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP.HCM 

Thứ nhất, vướng từ các quy định pháp luật mà cụ thể là từ khi triển khai công tác THPL với lĩnh vực trọng tâm là DNKH thì khái niệm này được sử dụng phổ biến trong xã hội nhưng lại chưa được quy định, giải thích hướng dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Từ đó, dẫn đến nhận thức của các cơ quan, tổ chức, xã hội về khái niệm trên là khác nhau nên việc triển khai công tác theo dõi THPL về lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn trong phạm vi theo dõi, số liệu cần thống kê, báo cáo...

Hơn nữa, hệ thống quy định về đất đai, lao động, vốn, khoa học công nghệ mặc dù đã không ngừng điều chỉnh hoàn thiện hơn nhưng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, còn chồng chéo, bất cập, nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có các quy định cho hoạt động khởi nghiệp. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước và cho cả doanh nghiệp.

Vướng thứ hai là về nhân sự và cơ chế phối hợp. Hiện nay, do yêu cầu sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nên nhiều cơ quan không còn bộ phận pháp chế trong cơ cấu tổ chức đồng nghĩa với việc không có cán bộ pháp chế chuyên trách tham mưu về công tác trên mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Đối với quận-huyện thì nhiệm vụ này được giao cho Phòng Tư pháp nhưng lại không được bổ sung biên chế. Với sự kiêm nhiệm, làm nhiều đầu việc khác nhau nên khó tránh được những hạn chế nhất định trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện công tác trên.

Về cơ chế phối hợp, theo Nghị định 59/2012 của Chính phủ quy định Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo dõi tình hình THPL đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhưng qua thực tiễn cho thấy sự phối hợp, triển khai cho ngành mình chưa kịp thời, chưa đồng bộ.

Cụ thể về triển khai, hướng dẫn theo dõi tình hình THPL về DNKN năm 2017 chủ yếu do Bộ Tư pháp (ở Trung ương) và Sở Tư pháp (ở địa phương) thực hiện. Các bộ, ngành ở Trung ương hầu như chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác này (Chỉ có Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kế hoạch theo dõi tình hình THPL).

Từ đó, dẫn đến các sở, ngành ở địa phương lúng túng trong việc tổ chức theo dõi đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành mình. Điều này cũng gây tâm lý cho rằng đây là hoạt động riêng của ngành tư pháp nên mức độ quan tâm, trách nhiệm tổ chức-phối hợp thực hiện còn hạn chế dù TP đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác này trên địa bàn TP.

Tính đến ngày 19-12-2017, TP.HCM có 332.811 doanh nghiệp hoạt động với số vốn đăng ký là 3.927.967 tỉ đồng.

Quy định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành

Mỗi địa phương có đặc thù về vị trí địa lý và điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ phát triển khác nhau nên các yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khác nhau. Ví dụ điều kiện đất chật, người đông như TP.HCM mà đặt yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực về đất đai giống như ở các tỉnh khác sẽ không phù hợp, không khả thi.

Trên cơ sở khó khăn, vướng mắc phát sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL năm 2017, kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về công tác theo dõi tình hình THPL, đặc biệt quy định rõ trách nhiệm của các bộ, các ngành, cơ quan chuyên môn trong việc tổ chức theo dõi tình hình THPL đối với các quy định pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực chuyên ngành của mình.

Phối hợp, thống nhất với các bộ, ngành thực hiện, triển khai hướng dẫn đồng bộ xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời, thống nhất.... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm