Kiến nghị hỗ trợ hơn 83.000 tỉ để làm đường vành đai 3

Mới đây, sau cuộc họp giữa lãnh đạo bốn địa phương có tuyến đường vành đai 3 đi qua, UBND TP.HCM đã chính thức trình Chính phủ phương án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, bốn địa phương thống nhất kiến nghị trung ương hỗ trợ ngân sách khoảng 83.290 tỉ đồng để đầu tư dự án.

Các tỉnh lo thiếu vốn

Phía UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung nguồn vốn cho bốn tuyến đường tỉnh phục vụ kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án trọng điểm phát triển đô thị TP Biên Hòa và TP Long Khánh nên nguồn vốn đầu tư công rất khó khăn.

Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 3 đi qua bốn địa phương.
Đồ họa: HỒ TRANG

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ tính toán, đưa hợp phần gồm giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng đường song hành, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật… vào tổng chi phí đầu tư của dự án theo hình thức đối tác công tư.

UBND tỉnh Bình Dương thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho mình triển khai thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh. Hiện Bình Dương đang huy động các nguồn lực từ quỹ đất để đầu tư cho các dự án vành đai và cao tốc trên địa bàn. Tuy nhiên, để làm ngay dự án thành phần bồi thường GPMB cần khoảng 37.620 tỉ đồng và xây dựng đường song hành trong giai đoạn 2021-2025 là vượt quá khả năng cân đối từ nguồn đầu tư công trung hạn của tỉnh.

Phía Bộ KH&ĐT thì đề nghị UBND TP.HCM trao đổi, thống nhất với Bộ GTVT và các địa phương có dự án đi qua để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về PPP, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT cần phối hợp với các địa phương có liên quan có ý kiến làm rõ phương án huy động nguồn vốn còn thiếu để bố trí cho dự án.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị đối với đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, UBND tỉnh Bình Dương đang khai thác với quy mô sáu làn xe đường đô thị và đang nghiên cứu một số hạng mục như cầu vượt, hầm chui, đường gom...

Do đó, trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án, đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Dương thống nhất phương án, hình thức đầu tư đoạn tuyến qua địa bàn Bình Dương nói riêng và toàn tuyến đường vành đai 3 nói chung. Từ đó đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về PPP.

Bộ GTVT: Cần làm quyết liệt

Bộ GTVT cho rằng hiện nay tiến độ chuẩn bị dự án đã bị chậm, cần quyết liệt triển khai mới có thể kịp trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV theo yêu cầu của Chính phủ. Vì vậy, bộ thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu sớm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Sở GTVT TP.HCM cho biết đây là dự án lớn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Đây là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TP với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc khép kín đường vành đai 3 là điều kiện cần để việc đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, tạo động lực, đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả vùng.

Cũng theo Sở GTVT TP, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành hai bên của dự án rất lớn, khoảng 52.468,15 tỉ đồng. TP.HCM và các tỉnh chưa thể cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025.

Trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) thì tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 18% so với tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian hoàn vốn kéo dài 29 năm nên khó hấp dẫn nhà đầu tư và tính khả thi chưa cao. Theo đó, cần phải trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng cho dự án.

Việc đầu tư đường vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư và sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương để thực hiện GPMB là rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021-2026. Số vốn trên chưa bao gồm các đoạn tuyến kết nối trên địa bàn TP.HCM (khoảng 7.500 tỉ đồng), tỉnh Đồng Nai (khoảng 800 tỉ đồng) và chưa đầu tư đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (khoảng 11.862,31 tỉ đồng).

Do vậy, sau cuộc họp, bốn địa phương thống nhất kiến nghị trung ương hỗ trợ tổng ngân sách để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỉ đồng, gồm chi phí GPMB một lần theo quy mô hoàn chỉnh và đầu tư đường song hành hai bên.

Trường hợp vốn ngân sách trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB khoảng 46.971 tỉ đồng. Với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong giai đoạn 2021-2026.•

Dự kiến bốn kịch bản cho đường vành đai 3 TP.HCM

Theo Sở GTVT TP.HCM, các địa phương đã đưa ra bốn kịch bản cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Kịch bản 1: Đầu tư PPP toàn tuyến, bao gồm GPMB, đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư. Đây là mức tối đa tham gia vốn của Nhà nước theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Kịch bản 2: Đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm phần GPMB và đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư.

Kịch bản 3: Đầu tư PPP phần đường cao tốc và đường song hành, không bao gồm GPMB, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư.

Kịch bản 4: Đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, thời gian hoàn vốn 29 năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm