Kiến nghị sửa nhiều luật để gỡ vướng cho dự án PPP

Bộ KH&ĐT vừa báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, về kết quả rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, bộ này ghi nhận nhiều vấn đề bất cập trong quá trình triển khai dự án PPP.

Luật PPP không có lỗi

Theo Bộ KH&ĐT, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của 23 bộ, ngành và 53 địa phương, liên quan đến dự án PPP, cho thấy có 37 vấn đề bất cập. Trong đó có năm vấn đề liên quan đến quy định của bốn luật: Ngân sách nhà nước, Giá, Đất đai và Khoáng sản; bốn vấn đề liên quan đến quy định của nghị định, thông tư; 28 vấn đề vướng mắc do có cách hiểu chưa thống nhất.

“Hầu như các bộ, ngành, địa phương không phản ánh khó khăn, vướng mắc đối với dự án mới triển khai theo Luật PPP mà chủ yếu đề cập tới một số vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị dự án theo phương thức PPP. Như vậy, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu vướng mắc của các dự án PPP là do địa phương có cách hiểu chưa thống nhất về các quy định mới được ban hành…” - Bộ KH&ĐT nhận định.

Đi vào cụ thể từng bất cập, Bộ KH&ĐT chọn nhóm vấn đề pháp luật để phân tích và kiến nghị. Cụ thể ở đây là việc Luật Giá hiện nay chưa có hướng dẫn về cách thức xác định giá cho cả vòng đời dự án PPP mà chỉ được định hướng 5-10 năm. Trong khi đó, Điều 65 của Luật PPP lại quy định việc xác định giá phải được thực hiện ngay từ khâu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…

Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng hiện nay Bộ Tài chính đã triển khai tổng kết đánh giá thi hành Luật Giá để sửa đổi, hoàn thiện. Hồ sơ đề nghị xây dựng luật được Thủ tướng thông qua. Để xử lý vấn đề nêu trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Luật Giá theo hướng bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phản ánh mặt bằng giá thị trường, đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

“Trường hợp cần phải xử lý ngay các vướng mắc theo yêu cầu thực tiễn, đề nghị các bộ chuyên ngành căn cứ thẩm quyền quản lý nhà nước trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi quản lý; báo cáo Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc (nếu có)” - Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Vướng do Luật Đất đai

Đối với việc pháp luật về đất đai chưa quy định rõ Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu, sửa Luật Đất đai theo hướng dự án đầu tư theo phương thức PPP được Nhà nước giao đất, cho thuê đất tùy thuộc tính chất tài sản hình thành từ dự án và diện tích sử dụng đất.

Bộ KH&ĐT ghi nhận nhiều vấn đề bất cập trong quá trình triển khai dự án PPP. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG

Chẳng hạn giao đất không thu tiền đối với dự án giao thông, giao đất có thu tiền thuê đất đối với dự án có tài sản gắn liền với đất như nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải, rác thải...

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, sửa đổi khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai theo hướng phân cấp cho HĐND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đối với các dự án đã nằm trong quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Vì quy định hiện hành một số dự án đã nằm trong quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng vẫn phải báo cáo Thủ tướng chấp thuận.

Cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, sửa đổi Luật Khoáng sản để tránh tình trạng khi dự án thi công thì giá vật liệu tăng. Đặc biệt là hiện tượng cung ứng và sản xuất vật liệu đầu cơ, chờ tăng giá như dự án cao tốc Bắc - Nam, Mỹ Thuận - Cần Thơ… gặp phải vừa qua.

Vướng về cơ chế tài chính

Cũng theo báo cáo này, Bộ KH&ĐT cho rằng hiện nay khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Trên thực tế, một số dự án giao thông thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương không được đầu tư, trong khi các địa phương sẵn sàng sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án nhưng vướng quy định trên.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, sửa đổi theo hướng cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư, thực hiện bảo trì công trình kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý, đầu tư.

Một vấn đề nữa được Bộ KH&ĐT nhắc đến đó là hiện nay điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định 28/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP quy định cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tham khảo lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại; lãi suất vốn vay của dự án tương tự để làm cơ sở lập phương án tài chính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu có). Tuy nhiên, ngoài hình thức huy động vốn thông qua vay vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại thì nhà đầu tư còn vay vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các nhà đầu tư, việc căn cứ vào lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại làm cơ sở lập phương án tài chính là chưa đầy đủ, cần phải căn cứ vào lãi suất phát hành trái phiếu. Vì vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 28 theo hướng bổ sung cơ sở tham khảo về lãi suất phát hành trái phiếu, làm cơ sở lập phương án tài chính.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xác định cụ thể các trường hợp đủ điều kiện chuyển tiếp mà còn gặp vướng mắc do thiếu quy định chuyển tiếp tại pháp luật về PPP.

Sau một năm chỉ có bốn dự án được duyệt

Theo Bộ KH&ĐT, sau gần một năm Luật PPP và nghị định hướng dẫn thi hành luật ra đời, đến nay chỉ có bốn dự án PPP được phê duyệt đầu tư và một dự án đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của luật này.

Đối với 28 vấn đề vướng mắc do các địa phương có cách hiểu chưa thống nhất và chưa chính xác đối với các dự án PPP, BT, Bộ KH&ĐT khẳng định đơn vị đã tổng hợp, giải thích, hướng dẫn cụ thể…

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm