Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đã có báo cáo về kết quả kiểm tra công trình xây dựng Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc), đồng thời đưa ra các đề xuất và phương án xử lý.
Nằm trong vùng bảo tồn di sản địa chất
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Giang cho thấy: Công trình Panorama được xây dựng tại điểm dừng chân số 40 dốc Mã Pì Lèng, hiện đã đi vào hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát, dịch vụ giải trí.
Sở Xây dựng cho hay qua kiểm tra thủ tục hồ sơ liên quan, chủ đầu tư chỉ cung cấp cho đoàn công tác một bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định, ngoài ra không có thêm một tài liệu nào khác. Chủ đầu tư cũng báo cáo hiện chỉ mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hằng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng).
Theo Sở Xây dựng, công trình Panorama có kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp các sàn bằng thép (dùng để ngắm cảnh). Công trình gồm bảy cấp xây bám theo địa hình. Mặt trước công trình gồm một tầng nổi và một tầng âm, sáu cấp còn lại được xây thấp dần dọc theo sườn núi (một cấp một tầng). Hiện công trình đã hoàn thiện năm cấp, phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ sáu và bảy đang được hoàn thiện.
Sở Xây dựng thông tin thêm: Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng là 226 m2 với tổng diện tích sàn là 476 m2 + 78 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.
Theo ý kiến của Sở VH-TT&DL, công trình xây dựng hiện tại nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Mã Pì Lèng và nằm trong khu vực kiểm soát các hoạt động xây dựng thuộc vùng I - vùng bảo tồn di sản địa chất.
Theo Sở Xây dựng, khi đối chiếu với các hồ sơ liên quan cho thấy: “Khu vực kiểm soát các hoạt động xây dựng: Diện tích khoảng 28.000 ha, hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình về an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật thiết yếu. Tầng cao xây dựng 1-3 tầng, mật độ xây dựng 15%-25%”.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng kiến nghị: Cho tiến hành cải tạo, chỉnh trang tầng nổi và tầng âm (giáp đường quốc lộ) để phục vụ cho việc dừng chân ngắm cảnh. Tháo dỡ sáu tầng còn lại, tiến hành cải tạo đất và trồng cây xanh trên phần diện tích đã phá dỡ. Các nội dung tháo dỡ yêu cầu hoàn thành trước ngày 15-11-2019.
Toàn cảnh công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng. Ảnh: VT
Cựu giám đốc Đồng Văn bị “vạ lây”?
Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng ngoài việc bày tỏ quan điểm không ủng hộ nhà hàng Panorama thì cũng xuất hiện thông tin cho rằng chủ thực sự của công trình này là ông Nguyễn Lê Huy, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.
Người đưa thông tin này cho biết bà Vũ Thị Ánh chỉ là “hình nhân thế mạng”. Với suy luận: Khu nhà bảy tầng, xây kiên cố với cả ngàn mét vuông, giá thành xây dựng chắc chắn không nhỏ nên khó tin là bà Ánh có số tiền này”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Lê Huy cho hay đã biết thông tin kể trên. “Không chỉ nhà báo mà cả những người quen biết cũng gọi cho tôi để hỏi về thông tin này, lúc đó tôi rất bất ngờ” - ông Huy bày tỏ.
Theo ông Huy, ông có một homestay ở Mã Pì Lèng nhưng cách điểm đó 3 km, ở trên đỉnh đèo. “Tôi mua đất ở của dân và làm nhà sàn hợp pháp. Hơn nữa, tôi đã nghỉ hưu được ba năm nay chứ không phải đang tại vị như thông tin trên mạng” - ông Huy nói.
Bày tỏ quan điểm về công trình trên Mã Pì Lèng, ông Huy cho rằng: “Họ làm theo khuyến nghị của chuyên gia nên làm một điểm ngắm, dừng chân ở đó. Còn chuyện chủ đất bàn với các cơ quan chức năng làm như thế nào tôi không thể có đánh giá đúng được. Tôi không rõ khuyến nghị của chuyên gia như thế nào nên không thể đánh giá cụ thể về công trình này”.