Kiện nước ngoài tốn triệu đô, sao dám?

“Khởi kiện tại nước ngoài, chỉ riêng việc lập hồ sơ khởi kiện chi phí đã vào khoảng 200.000 USD”.

Bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT, thông tin như trên tại hội thảo “Điều gì cản trở doanh nghiệp (DN) Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-10.

Đang xem xét  đùi gà Mỹ

Theo bà Hạnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đang xem xét có nên áp dụng các biện pháp PVTM đối với sản phẩm đùi gà đông lạnh Mỹ nhập vào Việt Nam hay không. “Đùi gà và sản phẩm gà đông lạnh nhập về Việt Nam hiện nay chiếm thị phần khoảng 7%-8%. Tỉ lệ này có tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước không thì cần phải xem xét kỹ” - bà Hạnh nói.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng việc giá đùi gà đông lạnh Mỹ nhập về Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi đùi gà của Việt Nam lên tới cả trăm ngàn/kg là điều cần phải suy nghĩ. Phải làm sao hạ được giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, đó mới là chiến lược lâu dài.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, cho rằng các sản phẩm gà đông lạnh vào Việt Nam chiếm thị phần khoảng 7%-8% chưa thể ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Song căn cứ để khởi kiện hoặc thực hiện các biện pháp PVTM thì cần theo thông lệ.

 “Có những quốc gia chỉ cần cộng dồn tỉ lệ các sản phẩm trong lĩnh vực hàng hóa nhập khẩu, nếu thấy vượt quá số lượng cho phép thì đã có thể thực hiện các biện pháp PVTM” - bà Trang phân tích.

Một số ý kiến khác cũng nhìn nhận 1 kg đùi gà nhập khẩu từ Mỹ giá chỉ 20.000 đồng thì về dài hạn có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất gia cầm trong nước. Do đó, cần xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá và tự vệ.

Bà Hạnh thông tin thêm Bộ NN&PTNT luôn sẵn sàng ủng hộ các DN, các hộ chăn nuôi. Hiện nay, Bộ đang rà soát toàn diện những vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm gia cầm từ nước ngoài, đặc biệt là việc nhập khẩu đùi gà đông lạnh từ Mỹ vào nước ta. Khoảng ngày 30-10 sẽ có kết quả rà soát. “Có kết quả rồi chúng ta mới xem xét khả năng thực hiện giải pháp PVTM” - bà Hạnh cho biết.

Giá đùi gà nhập khẩu từ Mỹ quá rẻ có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất gia cầm trong nước. Ảnh: HTD

Nỗi lòng taxi truyền thống

Hiện mô hình dịch vụ taxi Uber, Grab Taxi đang “đe dọa” lớn đến các hãng taxi truyền thống. Bởi mức giá của các hãng taxi như Uber, Grab Taxi đang rẻ hơn so với taxi truyền thống khoảng 30%, thậm chí 50%.

Mang “nỗi lòng” của các hãng taxi truyền thống trước sự bùng nổ của Uber và Grab Taxi, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải, ô-tô Việt Nam nói khi các dịch vụ taxi nói trên hoạt động tại Việt Nam, được người dân sử dụng một cách tiện lợi do áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, các hãng taxi tại ba thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM) đã yêu cầu hiệp hội kiện Uber và Grab Taxi.

“Nhưng chúng tôi không dám đi kiện vì không đủ năng lực. Chúng tôi khẳng định đứng sau Uber, Grab Taxi là cả một thế lực. Còn người dân thì lại thích dịch vụ giá rẻ” - ông Thanh phân trần.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang phân tích, theo các quy định của WTO đối với Việt Nam thì PVTM chỉ áp dụng đối với hàng hóa mà chưa thể áp dụng đối với dịch vụ trong khi Uber và Grab Taxi là dịch vụ. “Tuy nhiên, nếu thấy có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh thì Hiệp hội Vận tải, ô tô Việt Nam có thể kiện về việc phá giá theo Luật Cạnh tranh” - bà Trang khuyến nghị.

Đồng tình, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng hiện tại không thể kiện Uber và Grab Taxi. Vấn đề này không tùy thuộc ở năng lực hay các trình tự áp dụng các biện pháp PVTM hay khởi kiện, mà hoàn toàn nằm ở những quy định có tính chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, để chứng minh được mức giá của các hãng trên đưa ra là hợp lý hay không hợp lý cũng không đơn giản.

Sau khi nghe giải thích, ông Thanh nhận định: “Vậy các hãng taxi Việt Nam chỉ còn một cách là nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành để cạnh tranh với hai dịch vụ taxi là Uber và Grab Taxi”.

Khó kiện vì chi phí cao

Nhắc lại việc các DN xuất khẩu tôm bị kiện phá giá tại Mỹ trước đây, bà Trang thông tin rằng chỉ riêng chi phí thuê luật sư đã vào khoảng 500.000 USD thời bấy giờ. “Nếu một DN nào đó khởi kiện tại Mỹ, thì phải có cả “bầu đoàn thê tử” sang Mỹ, chắc chắn chi phí sẽ khác” - bà Trang nói.

Còn bà Phạm Hồng Hạnh cho hay khi vụ kiện tôm xảy ra, vì các DN Việt Nam là người đi hầu kiện nên ít chi phí hơn. “Còn khởi kiện tại nước ngoài, chỉ riêng việc lập hồ sơ khởi kiện chi phí đã vào khoảng 200.000 USD. Nếu theo đến cùng vụ kiện, chi phí có thể lên tới cả triệu USD. Chi phí thế không biết có thể theo được không?” - bà Hạnh băn khoăn.

Luật sư Phạm Lê Vinh, người đã tham gia vụ kiện đầu tiên của một DN Việt với DN nước ngoài nhận xét một trong những điểm yếu, ngoài chi phí theo đuổi vụ kiện, của các DN Việt là tinh thần hợp tác kém.

“Nhiều DN lớn của Việt Nam khi bị kiện phá giá thì không cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra của các nước khác để xem xét vụ kiện. Điều này dẫn đến việc cơ quan điều tra của các nước khác sẽ sử dụng những thông tin bất lợi cho DN từ những nguồn khác” - luật sư Vinh nói.

Người Việt sợ kiện cáo

Người Việt có tâm lý sợ kiện cáo và sợ kiện cáo nước ngoài mà chưa hiểu rằng việc kiện tụng trong cạnh tranh quốc tế là rất bình thường. Thêm nữa, việc tập hợp bằng chứng để chứng minh thiệt hại hoặc nguy cơ bị gây thiệt hại nghiêm trọng của các DN Việt Nam cũng rất kém.

Luật sư PHẠM LÊ VINH

Tính đến tháng 10-2015, đã có hàng trăm loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…) ở nước ngoài nhưng Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại này bốn lần với ba vụ kiện tự vệ và một vụ chống phá giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm