Vợ chồng ông H. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cùng khởi kiện ông Đ. ra TAND huyện, nơi ông Đ. sinh sống. Theo đó, ngoài yêu cầu bồi thường danh dự và nhân phẩm bằng 10 tháng lương tối thiểu (11,5 triệu đồng), vợ chồng ông H. còn yêu cầu tòa buộc ông Đ. phải ra tổ dân phố kiểm điểm.
Không có căn cứ để yêu cầu bồi thường
Nguyên cớ theo đơn kiện của vợ chồng ông H. là vào ngày 24-2-2013, ông Đ. đã đến đập phá cổng nhà, chửi rủa, nhục mạ vợ ông H. Thậm chí ông Đ. còn hăm dọa kêu giang hồ giết cả hai vợ chồng. Ông H. đã làm đơn gửi công an xã, công an xã đã lập biên bản, phạt ông Đ. về hành vi gây rối trật tự.
theo ông H., “lúc đó ông Đ. còn chửi rủa, nhục mạ và... tụt quần ngay trước cửa nhà tôi và trước mặt vợ tôi”. Ông H. cho rằng điều này đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của vợ chồng ông.
Trong khi đó, phía ông Đ. cho rằng vợ chồng ông H. không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND huyện đưa vụ án ra xử và bác yêu cầu của vợ chồng ông H. Hai người kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm mới đây, ông H. cho rằng vợ chồng ông đã bỏ qua những thiệt hại vật chất nhưng quyết phải đòi bồi thường về danh dự, nhân phẩm. Việc công an xã xử phạt hành chính ông Đ. về hành vi gây rối là chưa giải quyết hết nội tình.
Đối đáp, ông Đ. cho rằng sự việc đơn giản chỉ là cãi vã do ông say rượu. Ông Đ. nói ông cũng đã có tinh thần cầu thị khi đã chấp hành việc xử phạt hành chính của công an.
Nhưng ông H. không chịu, ông nói: “Hành vi của ông Đ. là xúc phạm đến quyền con người, là không hợp lẽ, là hành vi nhục mạ...”.
TAND TP.HCM nhận định ông Đ. có đến nhà nguyên đơn và có hành vi, lời lẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm vợ chồng ông H. Bản thân ông Đ. đã nhìn nhận lỗi lầm, đã xin lỗi vợ chồng ông H. Hành vi đó của ông Đ. làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương và đã bị công an địa phương xử phạt hành chính.
Tòa viện dẫn quy định tại Điều 611 BLDS về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm hại và hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Mục I của Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xử lý. Theo tòa, tại phiên xử phúc thẩm, các đương sự cùng thừa nhận sau sự việc xảy ra mọi sinh hoạt của hai bên vẫn diễn ra bình thường, không ai có hành vi hay lời nói nào khác xúc phạm nhau hoặc gây tổn hại cho nhau. Nay ông H. không đồng ý với bản án sơ thẩm nhưng tại tòa ông H. cũng không chứng minh được thiệt hại đã xảy ra. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, tòa nhận thấy không có cơ sở chấp nhận. Do vậy kháng cáo của ông H. không được chấp nhận, tòa giữ nguyên các quyết định án sơ thẩm.
Tòa bác yêu cầu của cả hai bên
Một vụ kiện khác cũng thuộc dạng “độc”. Theo đơn khởi kiện của bà H., xuất phát từ việc bà T. tự ý tháo dỡ bảng hiệu công ty của bà H. khi đó, bà H. có đến kêu cửa nhà bà T. để hỏi chuyện. Trong lúc bà H. đang hỏi vì sao thì bà T. từ trong nhà đi ra và chửi bà H. bằng những lời lẽ khó nghe và... tung váy áo trước mặt chồng bà H.
Theo bà H., dù chồng bà (là người nước ngoài) có khuyên giải nhưng bà T. không chấm dứt việc trên và có hành động thô tục. Vì quá xấu hổ nên bà và chồng bỏ vào nhà và gọi điện thoại cho công an khu vực đến giải quyết. Khi công an đến thì bà T. khóa cửa, công an không giải quyết được nên ra về mà không lập biên bản ghi nhận sự việc xảy ra.
Bà H. kể đến tối cùng ngày, bà T. tiếp tục có những hành vi khác xúc phạm bà H. Cho rằng hành động của bà T. làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ chồng mình nên bà H. khởi kiện ra TAND quận yêu cầu tòa buộc bà T. phải xin lỗi vợ chồng bà và phải bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm số tiền 27 triệu đồng.
Tòa mời lên làm việc, bà T. nói bà H. trình bày vậy là không đúng sự thật và vu khống đối với bà. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà H. cùng chồng thuê nhà ở sát vách với nhà bà và đã tự ý gắn biển hiệu công ty lấn chiếm 1/2 phần cột cổng nhà bà. Bà và chủ nhà bà H. có thỏa thuận để người này tiến hành xây dựng lại cột cổng cho đúng vị trí đất thuộc quyền sử dụng. Vì vậy, việc tháo dỡ biển hiệu của bà H. là do chủ nhà làm chứ không phải bà.
Ngoài ra, bà T. cho rằng việc bà H. nói bà đã nhiều lần xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ chồng bà H. là hoàn toàn không có, do đó bà không chấp nhận yêu cầu của vợ chồng bà H. Ngược lại, do bà H. có lời lẽ vu khống đối với bà làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà nên bà phản tố buộc bà H. phải công khai xin lỗi và bồi thường cho bà.
TAND quận nhận định hai bên có phát sinh mâu thuẫn dẫn đến cãi vã với nhau từ việc nghi ngờ tháo dỡ biển hiệu công ty. Tuy nhiên, theo tờ cam kết giữa chủ nhà (người cho vợ chồng bà H. thuê nhà) với bà T. thì đôi bên thỏa thuận để chủ nhà bà H. đập cột cổng để xây lại cho đúng vị trí trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Như vậy việc tháo dỡ biển hiệu của bà H. có thể là do chủ nhà thực hiện. Tại tòa, bà H. cũng xác định là không trực tiếp nhìn thấy ai đã tháo dỡ biển hiệu.
Theo tòa, việc vợ chồng bà H. cho rằng đã bị bà T. có lời nói và hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình nhưng không có tài liệu, chứng cứ gì cụ thể để chứng minh là có thiệt hại xảy ra cũng như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại ấy. Bà H. cũng không chứng minh được thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, cả tổn thất về mặt tinh thần cũng vậy. Phía bị đơn cũng không thừa nhận việc trình bày của vợ chồng bà H. Vì vậy, theo BLDS thì việc đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không có cơ sở để được chấp nhận. Từ đó, tòa bác đơn kiện của bà H.
Tương tự, đối với phản tố của bà T., tòa cũng tuyên bác vì nhận định không có căn cứ để chấp nhận.
Phán quyết của TAND quận sau đó được TAND TP.HCM đồng tình.