Sau khi nghị án kéo dài, chiều 7-1, TAND quận 2 (TP.HCM) đã tuyên án vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm trên Facebook giữa bà NT (ngụ quận 4) kiện ông TGN (ngụ quận 2).
HĐXX buộc phía bị đơn - ông N. chấm dứt hành vi truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, uy tín của nguyên đơn. Cạnh đó, ông N. có trách nhiệm xin lỗi trực tiếp tại chi cục thi hành án (THA) có thẩm quyền và kết quả sẽ được thông báo, đưa tin công khai. Ngoài ra, tòa buộc ông N. phải bồi thường chi phí cần thiết lập vi bằng làm bằng chứng của bà T. cũng như tổn thất tinh thần tổng cộng 39,2 triệu đồng.
Buộc xin lỗi nhưng không buộc đăng báo
Như vậy các yêu cầu phía nguyên đơn đưa ra được tòa chấp nhận gần hết, chỉ khác ở chỗ cách thức xin lỗi ở đâu.
Bản án tại tòa ghi nhận phía nguyên đơn cho là ông N. đã dùng một Facebook có nickname không trùng tên ông đăng các thông tin thô tục, mô tả quan hệ ân ái đôi bên sau khi chia tay. Sau đó, ông N. còn tiếp tục đăng bốn ảnh cảnh ân ái giữa hai bên. Tất cả chia sẻ trên Facebook này đều ở chế độ công cộng. Đây là việc xúc phạm danh dự, uy tín nghiêm trọng đối với bà T. Từ đó, bà T. yêu cầu ông N. phải xin lỗi, cải chính trên báo.
Còn phía bị đơn lại nói việc chia tay là do đôi bên không hợp và ông không thể đáp ứng... nhu cầu sinh lý... Từ đó ông N. muốn chia tay, chấm dứt quan hệ để lập gia đình với người phụ nữ khác nên mới đăng các thông tin trên. Ông N. đồng ý xin lỗi trực tiếp nhưng không đăng trên báo cũng như không cải chính. Vì nội dung đó là có thật khi hai người ân ái với nhau.
Theo tòa, ông N. thừa nhận đưa các thông tin như phía nguyên đơn trình bày. Đây là các thông tin tình cảm riêng tư cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Việc ông N. tự ý tung các tư liệu này không được sự đồng ý của bà T. là có lỗi. Hành vi này đã bị xử phạt hành chính vì việc đưa thông tin trên nhằm bôi nhọ, hạ nhục, xúc phạm và gây tổn thất tinh thần đối với bà T.
Phía ông N. xác định đã chấm dứt hành vi này trước khi bị khởi kiện, ông đã xóa hình ảnh lẫn nội dung và không tái phạm. Nhưng nguyên đơn chưa xác định rõ ràng về điều này nên tòa cần buộc ông N. chấm dứt hành vi vi phạm này.
Còn việc xin lỗi do hai bên không tự thỏa thuận được, tòa buộc ông N. trực tiếp xin lỗi tại cơ quan THA có thẩm quyền. Riêng về việc cải chính thì đây là quan hệ riêng tư, quyền bí mật đời tư, không xác định nội dung đúng sai và vì vấn đề thuần phong mỹ tục nên không buộc đăng báo. Hơn nữa cải chính trên báo theo luật chỉ áp dụng cho cơ quan báo chí, không áp dụng trong vụ án dân sự.
Vẫn tranh cãi việc thực thi lời xin lỗi
Vấn đề xin lỗi ở đâu trong trường hợp này tiếp tục gây tranh cãi sau khi tòa tuyên.
Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công, Đoàn LS TP.HCM, đưa quan điểm: “Tòa tuyên việc xin lỗi công khai tại cơ quan THA và đăng tin công khai là rất mơ hồ, dẫn đến việc có thể không thể THA được. Bởi “đăng tin công khai” có thể là niêm yết nội dung xin lỗi tại địa phương (nơi nguyên đơn cư trú) nhưng cũng có thể đăng báo giấy, báo điện tử, tờ tin điện tử hoặc sóng truyền thanh, truyền hình. Nếu xác định đó là việc niêm yết tại địa phương thì cơ quan THA căn cứ vào quy định nào vì trong bản án không nói rõ và Luật THA cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có định nghĩa về nội dung này. Trường hợp cơ quan THA thực hiện đăng tải công khai nội dung tại báo, đài, website, bản tin điện tử thì chi phí sẽ lấy nguồn từ đâu? Vì bản án không xác định khoản phí này do ai chi trả, cũng không phải là chế tài của bị đơn - bên thua kiện”.
LS Công nhấn mạnh với nội dung tuyên án không đầy đủ căn cứ pháp luật với viện dẫn quy định cụ thể thì khả năng thi hành bản án này được là rất thấp. Thậm chí nó còn tạo sự xung đột trong cách hiểu, dẫn đến cơ quan THA không thể thi hành. Vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo, thỏa đáng.
Đồng tình, LS Phạm Công Út (Đoàn LS TP.HCM, người tham gia cộng đồng Facebook thường xuyên) cũng nói trường hợp này luật chưa quy định phải xin lỗi ở đâu. Vì thế, HĐXX có thể sáng tạo và linh động trong cách giải quyết. Tuy nhiên, bản án tuyên “đăng tin công khai” nhưng không nói rõ công khai như thế nào sẽ gây khó khăn cho việc THA. Công khai ở địa phương người xin lỗi, ở nơi người bị xúc phạm, trên báo hay công khai ở đâu? Liệu nơi “đăng tin công khai ấy” người tham gia cộng đồng Facebook (nơi từng đăng thông tin xúc phạm) có đọc được hay không?
“Theo quan điểm cá nhân tôi, khi xúc phạm người khác tại đâu thì cần có lời xin lỗi phải tương xứng. Cụ thể, ở đây xúc phạm trên Facebook thì cần có lời xin lỗi trên mạng cộng đồng này. Có khả năng người xúc phạm đăng lời xin lỗi xong đăng liên tiếp nhiều status mới để đẩy thông tin xin lỗi khó tìm thấy. Khi đăng thông tin này, người thực hiện phải thông báo cho cơ quan THA tiến hành lập biên bản và lời xin lỗi cần được lập tức chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng” - LS Út nói.
“Tôi sẽ theo đuổi vụ án đến cùng” Hơn 20 tháng qua, từ khi sự việc xảy ra đến nay, tôi thấy hoang mang vô cùng. Vì vậy, tôi quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng vì danh dự của bản thân và gia đình. Trước mắt, tôi chấp nhận việc tòa vừa tuyên, không có ý định kháng cáo. Nhưng nếu bị đơn muốn tiếp tục vụ kiện thì tôi sẽ theo đến cùng. Tôi hiểu việc xin lỗi theo ý tòa tuyên là có thể mời các cơ quan báo chí chứng kiến vụ việc và thông tin rộng rãi ở các kênh thông tin, không giới hạn. Bà T., nguyên đơn vụ kiện |