Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” (từ ngày 11 đến 13-11) đã nhận được gần 100 tham luận của kiều bào gửi về ban tổ chức góp ý thẳng thắn, sâu sắc cho sự phát triển của TP.HCM, tập trung vào bốn lĩnh vực then chốt của TP là quy hoạch - phát triển bền vững; nguồn nhân lực; khoa học công nghệ và đầu tư - thị trường.
Ngày cuối cùng của hội nghị, các kiều bào tiếp tục có những góp ý về nhân lực, đầu tư, giao thông, công nghệ.
Tạo cầu nối tri thức, đầu tư
TS Đinh Thanh Hương (Việt kiều Pháp) cho rằng với các lợi thế về vị trí, nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng… TP.HCM có cơ hội phát triển kinh tế rất cao. Tuy nhiên, muốn được như thế TP cần phải giải quyết được các thách thức về hạ tầng giao thông, kẹt xe, ngập nước… và đặc biệt là chỉ số khả năng cạnh tranh. “Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi để phát triển. TP phải là đầu tàu khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ ở trong nước. Phải truyền động lực, tư tưởng lớn này cho mỗi doanh nghiệp, mỗi tập thể và cá nhân. Doanh nghiệp TP phải tìm ra biển lớn để tìm những hợp tác, thay vì đi xin tài trợ” - bà Hương nói và đề nghị lãnh đạo TP cần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh và tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Về cơ chế thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, bà Hương cho rằng người Việt ở nước ngoài không nên chỉ mang tiền về mà hãy làm cầu nối đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài. “Cầu nối về đầu tư ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là vốn mà còn đầu tư vào khoa học công nghệ, tri thức, đưa những tập đoàn lớn, những đối tác nước ngoài về hợp tác tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng” - bà Hương nói.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ), chuyên gia về tài chính ngân hàng đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, cho rằng TP.HCM cần tạo được niềm tin với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nghiêm túc mời gọi họ về đầu tư và xây dựng một trung tâm thông tin để phổ biến những kế hoạch, chương trình đầu tư tại TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (bìa trái và thứ hai từ trái sang) đang trao đổi với kiều bào tại hội nghị. Ảnh: HTD
Tạo cơ chế phát triển khoa học công nghệ
Nhiều đại biểu kiều bào cho rằng điều quan trọng để TP.HCM phát triển khoa học công nghệ là cơ chế, chính sách. Ông Vũ Lê Hải (Việt kiều Úc) cho rằng TP nên mời những chuyên gia Việt kiều đang tham gia phát triển công nghệ mới ở nước ngoài về làm việc để chuyển những công nghệ mới về nước. Cùng với nền tảng kiến thức, những người này còn biết công nghệ nào là phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đầu tư phát triển thay vì vừa phải tốn kém mua công nghệ, vừa mất tiền thuê chuyên gia điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Nguyễn Đăng Bằng (Việt kiều Anh, giảng viên Trường ĐH Cambridge) kiến nghị TP.HCM nên học hỏi kinh nghiệm này nhằm tạo môi trường tốt để phát triển công nghệ cao. Trong đó, TP nên thành lập trường ĐH nghiên cứu để làm trung tâm thu hút nghiên cứu, đầu tư. TP có thể kêu gọi sự ủng hộ về kinh phí, nhân lực từ nhiều nơi cho trường này. Đây sẽ là nơi những người muốn nghiên cứu có thể vào làm việc và có công ty đi theo những nghiên cứu này để làm cầu nối đưa ra thị trường. “Chúng ta không thể chờ vài trăm năm nữa để có trường ĐH như Cambridge mà phải đặt mục tiêu lớn để thực hiện ngay từ bây giờ. Ban đầu trường sẽ cần đầu tư từ ngân sách nhưng sau đó không cần nữa. Chúng ta cần cơ chế, có cơ chế tốt thì sẽ không cần tốn nhiều tiền ngân sách” - ông Bằng nói.
Đề xuất hệ thống giao thông thông minh
Trong khuôn khổ hội nghị, sáng 13-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã tiếp một số chuyên gia, doanh nghiệp Việt kiều có những ý tưởng, dự án cụ thể cho TP.HCM về các lĩnh vực chống ngập nước, kẹt xe, y tế…
GS Nguyễn Lý Vũ Hải (Việt kiều Úc, công tác ở ĐH Monash) giới thiệu về hệ thống giao thông thông minh có thể áp dụng cho kẹt xe ở TP.HCM. Theo ông Hải, cùng với hệ thống giao thông trị giá khoảng 2 tỉ USD này đã giúp cho Amsterdam (Hà Lan) giảm 30% thời gian kẹt xe. Riêng ở Melbourne (Úc), hệ thống giao thông này đã giúp tiết kiệm nhiều mặt mỗi ngày 500 triệu USD, chỉ trong bốn ngày đã thu hồi vốn. “Nếu đầu tư ở Việt Nam chỉ tốn khoảng 1 tỉ USD. Chúng tôi muốn giới thiệu hệ thống giao thông này không phải vì lợi nhuận mà vì tình yêu đối với quê hương, đối với TP.HCM” - ông Hải nói.
Tạo cơ chế tương tác thành phố - kiều bào Sáng 13-11, sau ba ngày diễn ra, hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới năm 2016 với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” kết thúc. Phát biểu bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ xúc động bởi có rất nhiều đại biểu kiều bào là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu đang làm việc ở nước ngoài vượt qua nửa vòng Trái đất trở về, mang theo những tình cảm nồng ấm, những ý tưởng tâm huyết nhất đến hội nghị. “Điều đó khẳng định dù phải sống trong những hoàn cảnh khác biệt ra sao về địa lý, xã hội, thể chế chính trị… chúng ta mãi mãi là con một nhà, là đồng bào ruột thịt của nhau, có chung một người mẹ lớn là Tổ quốc Việt Nam yêu quý” - ông Thăng nói. Bí thư Đinh La Thăng cho biết sau hội nghị này, lãnh đạo TP sẽ cùng các sở, ngành chức năng tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào để triển khai các đề xuất cụ thể đó, nhất là các vấn đề gắn trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống của người dân. Ông mong bà con kiều bào dù đang sinh sống, lập nghiệp trên khắp thế giới sẽ luôn hướng về quê hương, về với TP.HCM, “như cây có cội, như sông có nguồn”. |