Ngày 25-8-2016, M. quay lại shop lấy trộm một máy ảnh và một két sắt. Qua điều tra, CQĐT thu giữ lại được một két sắt chưa mở, bên trong có 9,5 triệu đồng và trả lại cho người bị hại. Riêng máy ảnh, M. đã quăng vào thùng rác nên CQĐT không tìm được.
Tại phiên tòa, M. khai em là sinh viên của một trường ĐH. Học được một năm thì phải nghỉ học vì học phí cao quá, gia đình không có tiền chu cấp… Sau đó M. vào làm thu ngân trong shop quần áo của chị T. Hai bên không có mâu thuẫn gì, là M. tự nghỉ việc chứ chị T. không đuổi…
Chị T. không lấy lại chìa khóa cửa và thường xuyên rủ M. ra shop chơi. Lúc này, chị T. bắt đầu nói xấu, xúc phạm M. Chị T. nói M. không có nghề nghiệp, chê gia đình M. nghèo… M. buồn nên muốn lấy tài sản của chị T. cho bõ tức.
Biết lịch hằng ngày thường 10 giờ sáng shop mới mở cửa nên khoảng 8 giờ 30, M. đến mở cửa để trộm… "Két sắt nặng quá, bị cáo lôi không nổi nên nhờ chị bán nước sâm (cạnh shop) khiêng giúp. Chị ấy kêu bận nên bị cáo nhờ bác xe ôm (đậu xe trước cửa shop) phụ khiêng lên xe máy… Bị cáo lấy vậy thôi chứ không nghĩ mình sẽ mở két sắt" - M. nói.
Sau đó M. mang két sắt đến gửi nhà một người bạn và nói dối là két sắt của gia đình M., do mọi người đi vắng nên M phải đem gửi. Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, bị công an đến nhà tìm thì M. sợ quá đem máy ảnh quăng vào thùng rác.
HĐXX hỏi M., gia đình đã bồi thường cho người bị hại bao nhiêu tiền? M. trả lời không biết. HĐXX phân tích: "Chúng tôi thấy bị cáo chưa thật sự hối lỗi. Bị cáo có vẻ rất vô tâm, chưa hình dung được việc mình làm hậu quả nghiêm trọng thế nào".
Tòa tiếp: "Tôi không tin là gia đình bị cáo không lo nổi cho bị cáo ăn học. Nhà bị cáo ở TP.HCM, cha bị cáo làm nghề xây dựng. Nhà có hai anh em thôi, anh bị cáo làm công an, cuộc sống ổn định. Chỉ còn mình bị cáo đi học chẳng lẽ gia đình không thể hỗ trợ? Hay do bị cáo tuổi trẻ bồng bột, ham chơi lười học? Giờ này lẽ ra bị cáo phải đang ngồi trên ghế giảng đường ĐH để đón nhận tương lai tươi sáng, không phải đứng đây, trước vành móng ngựa thế này…".
Tòa phân tích tiếp: "Bị cáo từ nhỏ được nuông chiều quen rồi, ra đời người ta nói nặng một câu thì không chịu nổi! Đấy là chưa kể chị T. cố tình nói nặng hay chị T. thương bị cáo, muốn khuyên bị cáo học hành cho có nghề nghiệp? Chẳng qua là cách truyền đạt chưa được khéo thôi. Nếu ai nói gì sai thì bị cáo nói lại, không được thì lần sau tránh người ta đi đừng chơi chung nữa.
Bị cáo làm ở đó ba tháng, bác xe ôm, chị bán nước sâm ai cũng biết mặt. Bị cáo nghĩ sao mà giữa thanh thiên bạch nhật, ngang nhiên trộm két sắt như vậy? Kéo không nổi còn nhờ người ta kéo phụ.
Bị cáo nghĩ công an truy ra bị cáo có gì khó khăn không? Suy nghĩ nông cạn đã đành, giờ bị cáo đã nhận ra lỗi mình chưa mà thái độ thờ ơ đến vậy?
Chiếc máy ảnh đã qua sử dụng, xác định giá trị còn lại nó là 800.000 đồng. Bây giờ người bị hại nói mua 25 triệu đồng, đòi bồi thường 40 triệu đồng. Bị cáo nói nhà bị cáo nghèo, mà cha mẹ bị cáo vẫn chấp nhận bồi thường. Vì mong người ta bãi nại, mong mình được nhẹ tội. Bị cáo có thấy tấm lòng của cha mẹ chưa? Giờ hỏi gia đình đã bồi thường bao nhiêu bị cáo không biết? Có phải là quá vô tâm không?
Đâu phải trộm bao nhiêu đền lại bấy nhiêu, hay gấp đôi, ba lần là xong. Bị cáo còn phải đối diện với một bản án hình sự. Chấp hành án xong còn có án tích… Dĩ nhiên cái giá phải trả so với hành vi mà bị cáo đã làm sẽ là tương xứng. Nhưng tương lai bị cáo sẽ mịt mờ thế nào bị cáo có ý thức được chưa?".
Nghe xong M. im lặng và bắt đầu lau nước mắt.
Phía sau, mẹ M. nước mắt lã chã, nói con gái bà nhát gan lắm, thấy con gián, con chuột là nó chạy trối chết rồi. Bà thật không ngờ nó có thể làm được những việc như vậy! Theo bà, từ nhỏ M. vốn rất ngoan hiền. "Nó nói học ĐH chương trình cao quá, nó học không nổi nên gia đình cũng không ép. Con gái học cao quá cũng sợ…" - bà mếu máo phân giải.
Tại tòa, đại diện VKS đề nghị mức án 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, sau nghị án HĐXX đã quyết định tuyên phạt M. sáu tháng tù giam.